Xã Liên Hà, huyện Đông Anh: Đường xuống cấp do thi công sai thiết kế?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh được bố trí vốn triển khai xây dựng 7 tuyến đường giao thông liên thôn xóm. Tuy nhiên đến nay, một số tuyến đường đang xuống cấp ngày một nghiêm trọng.

Nhiều người dân địa phương đặt nghi vấn về chất lượng vật liệu và quá trình thi công các tuyến đường không bảo đảm theo thiết kế.
Chất lượng công trình sai lệch thiết kế

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 7 tuyến đường giao thông liên thôn xóm được đầu tư, hiện có hai tuyến đường đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Mặt đường bị bong tróc, rỗ nát để lộ phần kết cấu bên trong. Hễ trời mưa là ứ đọng nước khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn... Trưởng thôn Lỗ Khê Hoàng Đức Minh cho biết, các tuyến đường đã được thi công và hoàn thành từ cuối năm 2014. Tuy nhiên, trong quá trình thi công lại có một số thay đổi về chất liệu phần bê tông đổ lót đáy và nắp hố ga. Đặc biệt, chất lượng bê tông bề mặt rất kém.
 Đường liên thôn tại xã Liên Hà xuống cấp, ứ đọng nước mỗi khi trời đổ mưa. Ảnh: Lâm Nguyễn
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Minh chưng cho chúng tôi xem kết quả thí nghiệm cường độ nén mẫu bê tông do Xí nghiệp tư vấn và kiểm định chất lượng (thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình hàng không - Bộ Quốc phòng) thực hiện ngày 30/9/2015. Theo đó, hai tuyến đường được lựa chọn ngẫu nhiên để thẩm định có cường độ mẫu khoan chỉ đạt 149,91 daN/cm2 và 69,4 daN/cm2. Trong khi, mác bê tông thiết kế phải có cường độ mẫu khoan đạt 200 daN/cm2!.

Cũng theo phản ánh của nhiều người dân, do chất lượng tuyến đường có cường độ mẫu khoan chỉ đạt 69,4 daN/cm2 quá kém, nên năm 2016, đơn vị thi công đã buộc phải sửa chữa bằng cách đan thêm một lượt sắt và đổ chùm 10cm bê tông lên bề mặt. Dù vậy, tuyến đường sau khi được sửa chữa đến nay tiếp tục cho thấy những dấu hiệu xuống cấp.

Né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm?

Việc một số tuyến đường xuống cấp chỉ sau vài năm hoàn thành đặt ra câu hỏi về chất lượng vật liệu thi công. Dù vậy, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo xã Liên Hà lại tỏ thái độ né tránh, thiếu hợp tác, thậm chí là đùn đẩy trách nhiệm.

Nhiều lần liên hệ để thu thập thông tin về quy trình thẩm định thiết kế và thi công 7 tuyến đường nêu trên, Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam chỉ cho biết đang bận việc riêng, có vấn đề gì cứ liên hệ trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã là bà Đỗ Thị Phượng, vì bà là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM. Nhưng khi liên hệ với bà Phượng, chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung: Cá nhân bà chỉ đạo công tác xây dựng NTM nói chung, chứ liên quan tới thiết kế, thi công các công trình thì bà không phụ trách trực tiếp (?!).

Sau hàng chục lần liên hệ, ông Phạm Văn Nam mới trao đổi qua điện thoại và thông tin tới chúng tôi: Việc thay đổi thiết kế liên quan tới chất liệu bê tông đổ lót đáy và nắp cống đã có sự trao đổi, bàn bạc thống nhất giữa chủ đầu tư và đại diện giám sát cộng đồng. Đối với chất lượng bê tông của hai tuyến đường được đánh giá là đạt thấp so với tiêu chuẩn, ông Nam cho rằng, do tuyến đường được thi công đã lâu, qua thời gian sử dụng lâu dài nên việc bị xuống cấp là... khó tránh khỏi (?!).

Đường xuống cấp do chất lượng bê tông kém, hay bởi đã qua thời gian dài sử dụng là vấn đề rất cần được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, đánh giá công khai. Trong đó, không chỉ đơn vị thi công, mà cần xem xét cả trách nhiệm giám sát của chính quyền địa phương. Việc một bộ phận người dân có phản hồi thiếu tích cực về chất lượng công trình cũng đặt ra câu hỏi đối với năng lực quản lý Nhà nước của lãnh đạo xã Liên Hà, trong quá trình triển khai các dự án xây dựng NTM.