Xã Nam Hồng, huyện Đông Anh: Dang dở một cây cầu

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường Võ Văn Kiệt đoạn qua địa phận xã Nam Hồng, huyện Đông Anh lâu nay được xem là “điểm đen” về tình trạng mất an toàn giao thông.

Để giải quyết vấn đề này, dự án xây dựng cầu vượt bắc qua đường Võ Văn Kiệt đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, sau gần một năm, “cây cầu mơ ước” đó vẫn chỉ nằm… trên giấy.

Vị trí trên đường Võ Văn Kiệt dự kiến xây dựng cầu vượt nối hai thôn của xã Nam Hồng, huyện Đông Anh.

Kể từ khi đường Võ Văn Kiệt (trước đây có tên gọi là cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài) được xây dựng, xã Nam Hồng bị chia cắt làm hai nửa. Một bên là cư dân thôn Đìa, nằm đối diện bên kia con đường là dân cư thôn Đoài. Theo đó, người điều khiển phương tiện muốn đi từ thôn Đoài sang thôn Đìa phải di chuyển tới cầu vượt ngã tư xã Nam Hồng hướng về huyện Mê Linh và quay đầu đi ngược trở lại. Chiều dài quãng đường khoảng 2 cây số. Trong khi đó, người dân muốn đi từ thôn Đìa sang thôn Đoài phải chạy xe hơn 4 cây số, tới ngã tư giao cắt giữa đường Võ Văn Kiệt với đường liên xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) - thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) và quay đầu đi ngược trở lại.

Quãng đường không quá xa đối với người điều khiển ô tô, xe máy. Tuy nhiên, với người điều khiển xe đạp và đặc biệt là người đi bộ lại là một sự bất tiện rất lớn. Đây cũng là lý do khiến nhiều người dân muốn đi bộ từ thôn Đoài qua thôn Đìa và ngược lại đều liều lĩnh lựa chọn giải pháp leo qua lan can để sang đường, thay vì phải bách bộ hàng cây số! Đáng lo ngại, việc người dân tự ý trèo qua lan can tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nhất là khi các phương tiện đi trên đường Võ Văn Kiệt thường xuyên di duyển với tốc độ rất cao. Chỉ cần một thoáng lơ là, thiếu chú ý quan sát, tai nạn nghiêm trọng rất dễ xảy ra.

Liên quan tới giải pháp cho vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã làm việc với địa phương và thống nhất đề xuất UBND TP Hà Nội phương án xây dựng cầu vượt nhằm phục vụ việc đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân xã Nam Hồng. Dự án sau đó đã được TP phê duyệt với tổng mức đầu tư khoảng 19 tỷ đồng. Sở GTVT Hà Nội được giao làm chủ đầu tư. Thời gian thi công, hoàn thành công trình trong năm 2017. Tuy nhiên đến nay, sau gần một năm, “cây cầu mơ ước” đó vẫn chưa thành hiện thực.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Hữu Nam - Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) - đơn vị chủ đầu tư của dự án cho biết: Năm 2017, do ngân sách TP khó khăn nên chưa thể phân bổ nguồn vốn để triển khai. Đây là nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Dù vậy, thông tin tích cực là dự án đã được xem xét phân bổ kinh phí để triển khai trong năm 2018. Theo ông Nam, việc đầu tư xây dựng có thể được thực hiện ngay trong quý I/2018.