Xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh: Khó giải bài toán giao thông nội đồng

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến tháng 5/2020, xã Thanh Lâm đã đạt 16/19 tiêu chí. Trong số 3 tiêu chí cơ bản đạt, giao thông nội đồng là bài toán nan giải nhất đối với địa phương này.

Đến thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm những ngày giữa tháng 5/2020, chúng tôi được chứng kiến việc đi lại rất vất vả của bà con nông dân nơi đây. Sau một vài trận mưa, dù với lưu lượng không quá lớn nhưng đường nội đồng đã trở nên lầy lội khó đi. “Bình thường tôi đi xe đạp ra thu hoạch rau nhưng nếu trời mưa, đường trơn trượt phải gánh bộ” – bà Lê Thị Vững (thôn Thanh Vân) nói.
 Con đường dẫn ra cánh đồng tại thôn Thanh Vân ngập trong nước sau mưa lớn.
Không chỉ riêng bà Vững, nhiều bà con nông dân tại các thôn xóm trên địa bàn xã Thanh Lâm dường như đã quá quen với việc phải đi lại vất vả như vậy. Không ít người chạnh lòng khi nhìn sang các địa phương lân cận, nơi giao thông nội đồng đã cơ bản được cứng hóa; xe máy, thậm chí ô tô có thể vào tận các xứ đồng.
Theo thống kê, trong tổng số 9 thôn của xã Thanh Lâm, có 4 thôn (Yên Vinh, Phú Nhi, Đồng Vỡ, Phú Hữu) nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp. Do đó, diện tích đất nông nghiệp thuộc các thôn này không thực hiện dồn ghép ruộng đất, không thực hiện đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông nội đồng. Trong số 5 thôn còn lại, chỉ có thôn Đức Hậu hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa và được đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông nội đồng. 4 thôn còn lại gồm: Thanh Vân, Lâm Hộ, Ngự Tiền, Mỹ Lộc, hiện chưa thực hiện dồn ghép ruộng đất. Chính vì vậy, hệ thống giao thông nội đồng chưa được đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm Đỗ Văn Nhon thừa nhận, tình trạng hệ thống giao thông nội đồng chưa được đầu tư khiến việc đi lại của bà con khó khăn là có thật. Theo ông Nhon, giai đoạn trước, người dân thuộc 4 thôn nêu trên không đồng thuận nên không thể thực hiện được công tác dồn ghép ruộng đất. Việc đầu tư cứng hóa hệ thống giao thông nội đồng bởi vậy cũng bị trì trệ.
“Đến nay, khi thấy hiệu quả kinh tế sau dồn điền dổi thửa tại thôn Đức Hậu, bà con muốn dồn ghép ruộng đất nhưng địa phương lại đang gặp khó khăn trong triển khai thực hiện, trong đó nổi cộm là vấn đề vốn” – ông Nhon cho biết.
Được biết, xã Thanh Lâm đã về đích nông thôn mới từ năm 2017. Tuy nhiên, việc giao thông nội đồng chưa hoàn thiện khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Chính vì vậy, địa phương cần sớm có giải pháp huy động nguồn vốn nhằm giải quyết bài toán này.