Xa vời giấc mơ ô tô giá rẻ

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, hàng loạt các chính sách thuế mới liên quan đến hoạt động nhập khẩu, lắp ráp, kinh doanh ô tô có hiệu lực khiến nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi giá xe giảm để “xuống tiền”.

 Tuy nhiên, việc thêm nhiều rào cản với DN nhập khẩu ô tô và thay đổi đề xuất ưu đãi với thuế linh kiện ô tô sản xuất trong nước đã khiến giấc mơ mua ô tô giá rẻ thêm xa vời.
Kỳ vọng giảm, giá xe lại tăng

Theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ 1/1/2018, Việt Nam phải xóa bỏ thuế quan của 90 dòng thuế nhập khẩu từ ASEAN, trong đó có ô tô nguyên chiếc. Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại giảm xuống 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe dưới dung tích 2.0L sẽ giảm từ 45% xuống 40%, xe dung tích dưới 1.5L còn 35%... Với các chính sách mới về thuế nhập khẩu, nhiều người kỳ vọng năm 2018 giá xe giảm. Tuy nhiên, thay vì giảm sâu, giá xe những ngày đầu năm lại có xu hướng tăng.
 Xe ô tô bày bán trong bãi xe của một cửa hàng tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Cụ thể, sau khi chương trình khuyến mại tháng 12/2017 kết thúc, hãng Toyota đã lập tức tăng giá trở lại một số mẫu xe như: Toyota Vios, Toyota Corolla Altis, Toyota Camry, Toyota Innova với mức tăng từ 10 - 40 triệu đồng. Cụ thể, mẫu xe Toyota Vios hiện nay có giá thực tế dao động từ 503 - 576 triệu đồng, tăng 10 - 15 triệu đồng so với cuối năm 2017. Mẫu Corolla Altis dao động từ 668 - 895 triệu đồng, tăng 20 - 25 triệu đồng so với tháng 12/2017... Tương tự, Honda cũng công bố giá bán các mẫu xe mới khiến nhiều người hụt hẫng: Honda CR-V phiên bản cao cấp nhất có giá lên tới 1,256 tỷ đồng, cao hơn dự kiến 150 triệu đồng. Ngoài ra, mẫu Mazda CX-5 mới do THACO lắp ráp trong tháng 1 này cũng được tăng giá nhẹ so với năm 2017. Hay Ford Ranger cũng trở về mức giá 660 - 870 triệu đồng thay vì được khuyến mại như cuối năm 2017.

Lý giải cho thực tế này, đại diện một showroom ô tô tại Hà Nội cho biết, để đảm bảo nguồn cung dịp Tết, DN phải lên kế hoạch nhập khẩu và thông quan trước năm 2018. “Đối với các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN vốn được kỳ vọng giảm giá mạnh nhất, đều được làm thủ tục nhập khẩu, thông quan trước ngày 1/1/2018. Vì vậy, các loại xe này vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu cũ ở mức 30% chưa được hưởng thuế 0% như quy định mới có hiệu lực”- vị này cho hay.

Thêm rào cản, tan giấc mơ “tậu” ô tô

Theo các chuyên gia kinh tế, đang có 2 rào cản lớn cản trở xe ô tô giá rẻ tại thị trường Việt Nam, bao gồm cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Đó là các quy định ngặt nghèo về ô tô nhập khẩu tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP và việc Bộ Tài chính thay đổi đề xuất giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô sản xuất trong nước. Hai rào cản này có thể khiến sự cạnh tranh trên thị trường ô tô nhập khẩu giảm, giá xe nhập tăng.

Cụ thể, Nghị định 116 của Chính phủ quy định rất ngặt nghèo về nhập khẩu ô tô, như yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hoặc phải thử nghiệm từng lô. Những quy định này tiếp tục tạo thế độc quyền cho một số DN trên thị trường ô tô. Vì thế, giới kinh doanh ô tô dự báo, nhiều DN nhập khẩu còn lại sẽ tiếp tục “biến mất” trên sân chơi mặt hàng đặc biệt này. Khi mức giá bán do nhà phân phối duy nhất của thương hiệu ô tô đó đặt ra, thay vì giá cạnh tranh với nhiều nhà nhập khẩu như trước, việc giảm giá ô tô có thể chỉ là “giấc mơ xa vời”.

Với xe lắp ráp trong nước, khác với Dự thảo sửa đổi các Luật Thuế lần 1, mới đây, tại Dự thảo mới, Bộ Tài chính lại thay đổi đề xuất giá tính thuế TTĐB với ô tô con sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Với lựa chọn chính sách thuế mới của Bộ Tài chính, ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ không còn được hưởng lợi.

"Thuế là một trong những yếu tố tạo nên giá bán, thuế nhập khẩu giảm thì giá bán sẽ giảm. Tuy nhiên, đây chỉ là một điều kiện vì giá xe ô tô trong nước còn phụ thuộc nhiều vào thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN… Bên cạnh đó, chủ trương hạn chế xe cá nhân khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng được cũng khiến giấc mơ xe giá rẻ của người Việt thêm xa vời. " - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long