Xác lập 5 kỷ lục Việt Nam về Truyện Kiều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhân kỷ niệm 192 năm ngày mất của Đại Thi hào Nguyễn Du (16.9.1820-16.9.2012), Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập 5 kỷ lục Việt Nam về Truyện Kiều và sẽ được trao cho đơn vị sở hữu là Bảo tàng Nguyễn Du - tỉnh Hà Tĩnh.

Xác lập 5 kỷ lục Việt Nam về Truyện Kiều - Ảnh 1
Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều đã tạo nên những giá trị, loại hình nghệ thuật trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam

1. Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất chắp nhặt những câu thơ thành nhiều bài thơ mới

Truyện Kiều là thi phẩm duy nhất có được hiện tượng chắp nhặt những câu thơ ở các chỗ khác nhau để thành nhiều bài thơ mới, gọi là hiện tượng tập Kiều, đã thu hút thi sĩ văn nhân nhiều thế hệ tham gia từ thời vua Tự Đức (1847) đến Phan Mạnh Danh, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hoàng Trung Thông… với hàng trăm thi phẩm đủ loại từ lục bát, ngũ ngôn, tứ tự, thất ngôn, đến văn tế, hoặc tập Kiều để dịch Hán thi…

Như vậy, Truyện Kiều đã chuyển vào đời sống văn hóa một hình thái hoạt động văn chương mới (chưa có trước đó) và tồn tại (sau đó) qua hàng thế kỷ. Đó là hiện tượng cần ghi nhận đậm nét không chỉ trong lịch sử văn học nước ta, và cả trên văn đàn thế giới.

2. Truyện Kiều - Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ

Truyện Kiều là thi phẩm dài có nhiều bàn dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ. Có tới 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp thành thơ tự do, thể Alexandrins (thơ 12 chân) hoặc văn xuôi, từ Abel des Michels (2 tập) in tại Paris 1884 - 1885 đến bản Thu Giang (Paris 1915), René Crayssac và Léon Masse (Hà Nội 1926), hoặc bản của Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện trong 28 năm (Hà Nội 1942) và của Nguyễn Khắc Viện, Xuân Phúc - Xuân Việt, Lê Cao Phan, Lưu Hoài…

3. Truyện Kiều - Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất

Truyện Kiều là thi phẩm có nhiều người viết về phần tiếp theo nhất mà đặc điểm là tất cả đều viết bằng thơ, trong đó xưa nhất có Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đình với khoảng 3.000 câu lục bát, Đào Hoa Mộng ký diễn ca của Hà Đạm Hiên với 1.190 câu lục bát (Hà Nội 1917), Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư với 3.296 câu (Sài Gòn 1972)…. Để minh chứng xin xem quyển Lục bát hậu Truyện Kiều, giới thiệu khá kỹ cả 7 quyển Hậu Kiều này.

4. Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược

Truyện Kiều là thi phẩm duy nhất mà người ta có thể đọc ngược từ cuối lên đến đầu để câu chuyện về nàng Kiều (đúng như nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du) diễn ra theo chiều của thời gian ngược lại như ta được xem một cuốn phim “tua” ngược chiều. Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã làm một việc khá kỳ công là gỡ ra và sắp xếp lại toàn bộ các câu thơ trong truyện mà “tập Kiều” với cả 3.254 câu Kiều để có cuốn Truyện Kiều đọc ngược và Truyện Kiều như được đọc ngược từ cuối lên đến đầu sao cho câu thơ lục bát của Nguyễn Du vẫn hợp vần mà người đọc vẫn thấy thú vị.

5. Truyện Kiều - Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hóa Kiều

Truyện Kiềulà thi phẩm duy nhất tạo ra quanh nó cả một loạt những loại hình văn hóa - gọi là Văn hóa Kiều - với các hình thức thật phong phú như: bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, đố Kiều, câu đối Kiều, hát nói tập Kiều, phú - văn tế Kiều, án Kim Vân Kiều, giai thoại quanh Truyện Kiều…