Xắn tay tìm đầu ra cho vải thiều

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù giữa tháng 6 mới vào chính vụ thu hoạch vải thiều nhưng hiện trên thị trường đã tràn ngập điểm bán mặt hàng này.

Để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng "được mùa, mất giá" khi xuất khẩu gặp khó vì dịch Covid-19, các DN bán lẻ Hà Nội đã tích cực vào cuộc.
Đầu vụ, vải thiều đã rớt giá
Đầu tháng 5 khi mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải thiều, tại hệ thống chợ truyền thống của Hà Nội, loại vải quả tròn, to, đẹp, vị ngọt sắc... giá bán lên đến 60.000 - 65.000 đồng/kg. Loại vải tu hú quả nhỏ, hơi dài và chua 40.000 – 45.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, vào những ngày cuối cùng tháng 5, giá bán vải thiều đã giảm mạnh. Hiện vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn được bán với giá 25.000 - 40.000 đồng/kg, rẻ một nửa so với năm trước nhưng tiêu thụ khá chậm. Ngay cả hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, vải thiều Thanh Hà loại 1 được bán với giá 32.000 đồng/kg, rẻ hơn chợ truyền thống.
 Người tiêu dùng mua vải thiều giảm giá tại siêu thị Big C. Ảnh: Thu Hương
Chị Nguyễn Huế, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Ngã Tư Sở cho biết, vải năm nay có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp mắt, quả ngọt và to đều nhưng mới đầu mùa, giá đã giảm đáng kể. Hiện vải loại I được bán với giá 35.000 đồng/kg; vải đại trà có giá 30.000 đồng/kg; vải quả rời 15.000 đồng/kg. Dự báo khoảng 7 - 10 ngày nữa vải thiều vào chính vụ thu hoạch giá bán sẽ còn xuống thấp hơn hiện nay.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, vải thiều niên vụ 2020 được mùa hơn mọi năm khiến cung lớn hơn cầu. Do đó, giá bán chỉ bằng 50% so với vụ thu hoạch năm 2019, rất có thể lại rơi vào quy luật "được mùa, mất giá". “Dự kiến từ giữa tháng 6, giá bán vải thiều có thể còn tiếp tục giảm bởi thời điểm đầu tháng 6 chưa phải là giữa vụ thu hoạch nên giá bán vải thiều chưa phải là mức thấp nhất” - ông Phú chia sẻ.
Siêu thị vào cuộc
Năm nay, thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải thiều tăng mạnh, cung cao hơn cầu, cộng thêm xuất khẩu mặt hàng này đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2020 diện tích trồng vải thiều của huyện Lục Ngạn khoảng 15.300ha: Dự báo sản lượng đạt trên 85.000 tấn.
Tại Lễ khai mạc Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội năm 2020, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) Trịnh Văn Thiện cho hay: Hải Dương đang duy trì gần 9.700ha trồng vải, ước tính sản lượng vải đạt khoảng 55.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. “Sản lượng tăng mạnh chính là áp lực trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm” - ông Thiện nói.
Để chuẩn bị cho tiêu thụ vải thiều vụ 2030, Bộ Công Thương đang có những động thái hỗ trợ cụ thể. Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến cho biết: Để hỗ trợ DN XK vải sang Trung Quốc, đơn vị đã cùng với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang kết nối với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Hiện các bên liên quan đã liên lạc được với 309 thương nhân Trung Quốc và họ đã đồng ý sang Việt Nam cùng DN Việt Nam thu mua vải thiều.
Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị Hà Nội cũng đã tích cực vào cuộc. Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam Nguyễn Thị Phương cho biết: Nhiều năm qua, Big C đã hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ vải thiều, dự kiến trong vụ thu hoạch vải 2020, hệ thống siêu thị Big C sẽ tiêu thụ khoảng 1.000 tấn, đồng thời xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, tiêu thụ tại hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall.
“Hiện để kích cầu tiêu dùng, siêu thị Big C đang tổ chức chương trình giảm giá từ 32.000 đồng/kg vải thiều Thanh Hà xuống còn 22.900 đồng/kg” - bà Phương chia sẻ. Tương tự từ 21/5, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã đưa mặt hàng vải thiều vào tiêu thụ tại các siêu thị Co.op Mart toàn quốc. Dự kiến, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị Co.op Mart sẽ tăng 20% so với năm 2019. Trong khi đó, hệ thống siêu thị của Tập đoàn BRG như Intimex, FujiMart, Hapro Mart, Seika Mart... cũng cam kết đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ vải thiều.
Hy vọng, với sự hỗ trợ tiêu thụ của hệ thống siêu thị tại Hà Nội, khi vào vụ mùa thu hoạch chính vụ, mặt hàng vải thiều Bắc Giang, Hải Dương năm nay sẽ "được mùa, được giá".

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 3/6, các chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đến quốc gia này.

Theo quy định của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải; chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu. Trước đó, trong suốt 4 năm qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với MAFF để làm thí nghiệm, thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu. Đến nay, MAFF đã đồng ý điều kiện nhập khẩu vải tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản... (Lâm Nguyễn)


"Ngày 6/6, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020. Hội nghị sẽ kết nối trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước và 2 điểm cầu tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) tạo cơ hội kết nối giữa DN đầu mối cung ứng vải thiều với DN kinh doanh xuất nhập khẩu, các siêu thị bán lẻ." - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú