Xăng tăng giá: Hàng hóa khó "tát nước theo mưa"

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/9 giá xăng RON 92 đã được điều chỉnh tăng thêm gần 400 đồng/lít, vượt ngưỡng 18.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, phần lớn các DN bán lẻ đều có chung nhận định, mặc dù giá xăng tăng, tác động không nhỏ đến chi phí vận chuyển nhưng vẫn trong giới hạn cho phép, chưa ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất, kinh doanh để DN sản xuất, bán lẻ điều chỉnh giá các mặt hàng.
Thị trường ổn định
Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 18 kỳ điều chỉnh. Qua 8 lần tăng giá và 7 lần giảm giá (chưa kể những lần đi ngang) mỗi lít xăng đã tăng thêm hơn 2.000 đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, theo Giám đốc Quan hệ công chúng siêu thị Big C Hồ Quốc Nguyên cho biết: Mức ảnh hưởng của giá xăng, dầu trên giá thành sản phẩm ở Việt Nam là không đáng kể. Đây chính là nguyên nhân khiến các DN cung ứng  cho siêu thị chưa đề nghị tăng giá hay điều chỉnh giá bán hàng hóa trong thời gian tới.

Mua bán xăng tại cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng

Giải thích nguyên nhân khiến giá các mặt hàng thực phẩm không có nhiều biến động, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam nêu rõ: Hầu hết các hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường nên việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu. Không chỉ hệ thống siêu thị mà tại hệ thống chợ truyền thống nhiều mặt hàng vẫn giữ giá bán. Theo tiểu thương kinh doanh thực phẩm Trịnh Thị Sâm (chợ Thành Công) ngày 22/9, giá thịt lợn bán lẻ đã gần trở về mặt bằng giá thời điểm cuối năm trước. Cụ thể, giá thịt mông sấn hiện ở mức từ 75.000 - 85.000 đồng/kg; nạc thăn từ 75.000 - 90.000 đồng/kg; sườn lợn từ 85.000 - 95.000 đồng/kg; Gà mổ sẵn giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg; Vịt, ngan: 90.000 đồng/kg... Riêng mặt hàng thủy sản tươi sống, rau xanh tăng nhẹ do ảnh hưởng mưa bão, hiện cá trắm đen: 230.000 đồng/kg, trắm thường: 120.000 đồng/kg, rô phi: 40.000 - 45.000 đồng/kg, rau cải xanh: 5.000 đồng/mớ, rau muống: 7.000 đồng/mớ, rau ngót: 6.000 đồng/mớ... “Hiện giá cả hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm tươi sống rất ổn định, nếu lấy lý do xăng tăng giá điều chỉnh tăng để đẩy giá hàng hóa lên cao sẽ mất khách tiêu thụ”- bà Trịnh Thị Sâm khẳng định.
Chỉ số giá tiêu dùng có thể tăng nhẹ
“Ổn định", "giảm nhẹ", hoặc "giá cả không có nhiều biến động" là những cụm từ được nhắc đến nhiều trong dự báo giá cả tháng 9/2017 của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 có thể tăng nhẹ. Nguyên nhân là bởi trong tháng 9, nhu cầu mua sắm, đi lại trong ngày tựu trường của học sinh, sinh viên, nhu cầu vui chơi, mua sắm dịp nghỉ lễ 2/9 và rằm Trung thu sẽ là nguyên nhân đẩy giá một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng. Những mặt hàng thiết yếu như lúa gạo, thực phẩm tươi sống được dự báo giảm nhẹ hoặc ổn định nhưng 2 mặt hàng gas và xăng dầu tăng nhẹ sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI tháng 9. Cụ thể, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng giảm liên tục, nhưng mặt hàng này chỉ chiếm 0,17% trong việc tính toán chỉ số CPI. Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý giá cũng cho rằng, hiện nguồn cung đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường trong nước khá dồi dào. Bên cạnh đó việc các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong thời gian tới tới.
Không để mượn cớ tăng giá ồ ạt
Xăng, dầu là một trong những nguyên liệu đầu vào của rất nhiều loại hàng hóa. dịch vụ như kinh doanh vận tải, sản xuất hàng công nghiệp,… Vì vậy, việc điều chỉnh giá bán hàng hóa, sản phẩm là điều hợp lý theo quy luật của thị trường. Chính vì thế, để bình ổn thị trường, cơ quan quản lý phải hạn chế tối đa các trường hợp mượn cớ tăng giá xăng, dầu để tăng giá ồ ạt các mặt hàng khác.
PGS.TS Ngô Trí Long -nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)