Xanh hóa những “khoảng trống”

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Song hành với sự năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội đang thực sự chuyển mình, trở thành một TP xanh - sinh thái với kế hoạch môi trường toàn diện bao gồm cả việc xử lý ô nhiễm nước hồ, rác thải và đặc biệt là mục tiêu trồng thêm 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trồng cây không dễ
Nhiều năm qua, Hà Nội tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nhưng các yếu tố môi trường, sinh thái lại có phần bị xao lãng. Chỉ số diện tích cây xanh của Hà Nội chỉ đạt khoảng 7m2/người thì tại các TP lớn trong khu vực và trên thế giới như: Berlin (Đức) là 50m2/người; Seoul (Hàn Quốc) là 41m2/người; Singapore là 30,3m2/người… Không chỉ thiếu về số lượng, quy hoạch và chất lượng cây của Thủ đô cũng chưa phù hợp, lộn xộn dẫn đến nhiều hạn chế trong việc trồng, chăm sóc cũng như kiến tạo không gian xanh cho TP.
 Cây xanh được trồng trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trước đây, việc trồng và chăm sóc cây xanh rất tốn kém, hiệu quả lại không cao. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có quy trình chặt chẽ từ việc lựa chọn chủng loại, ươm giống, trồng chăm sóc. Mặt khác, trước 2016, việc chăm sóc cây chủ yếu dùng sức người, làm thủ công nên rất tốn thời gian, tiền bạc mà không được thường xuyên. Bên cạnh sự thiếu thốn về công nghệ, máy móc, những người đảm trách phần việc tô thêm màu xanh cho TP còn thiếu cả tiền vốn và những kỹ năng chuyên nghiệp. Trước đây, cây xanh được mua và ươm trồng chủ yếu từ nguồn ngân sách TP, công nhân chăm sóc cây chưa được đào tạo bài bản, sự gắn bó và tình yêu với nghề, vì vậy cũng chỉ dừng ở mức độ nhất định. Thực tế đó đòi hỏi Hà Nội phải có quy hoạch, bài bản cụ thể, rõ ràng trong việc tưởng chừng như rất đơn giản là trồng cây.
Luồng gió mới
Từ đầu năm 2015, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo TP, diện mạo đô thị của Thủ đô đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Trong chiến lược môi trường toàn diện được đặt ra, TP đã dành sự tập trung cao nhất cho kế hoạch xây mới 25 công viên, trồng thêm 1 triệu cây xanh. Trong nội thành, TP tập trung vận động trồng cây xanh ở các công viên, cơ quan, trường học và thí điểm mô hình khuyến khích các gia đình trồng hoa trên các lan can và tòa nhà. Mục tiêu cụ thể là trồng bổ sung được 31.000 cây vào các trường học và hơn 1.000 cây xanh ở các tuyến phố cổ. Tại nhiều vùng ngoại vi các tuyến đường giao thông trọng yếu, kế hoạch lấp đầy những khoản trống bằng màu xanh cũng đang được triển khai rộng khắp. Dự kiến trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), TP sẽ trồng mới được 140.000 cây xanh, trong đó phần lớn là trên các đại lộ, quốc lộ. Ví dụ như 98ha đất trống ở Đại lộ Thăng Long, dự kiến sẽ được biến thành một cánh rừng nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị Quốc gia với khoảng 45.000 cây xanh.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc thực hiện kế hoạch trồng thêm 1 triệu cây xanh cho Hà Nội là huy động nguồn đóng góp từ các DN, tổ chức và cả sự chung tay của Nhân dân TP. Đến nay, Hà Nội đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, hưởng ứng thiết thực như: tỉnh Sơn La tặng 500 cây hoa ban; Tập đoàn Aeon Nhật Bản tặng 3.000 cây hoa anh đào; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Ecopark) hỗ trợ trồng mới 1.000 cây xanh và tài trợ trồng cây tại Đại lộ Thăng Long; Ngân hàng Thương mại CP Tiên Phong hỗ trợ trồng 5.000 cây; Ngân hàng Thương mại CP Kỹ thương Việt Nam hỗ trợ 3 xe cần cẩu cắt tỉa cây xanh… Chủng loại, chất lượng cây xanh cũng được TP chú trọng giám sát. TS Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam chia sẻ: “Hà Nội đã đưa ra danh mục chủng loại cây đô thị để lựa chọn như muồng hoàng yến,  bằng lăng nước, hoàng lan, ngọc lan trắng, sếu, sấu, sao đen, long não, lát hoa... Danh mục này được tham vấn ý kiến các nhà khoa học để phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu Hà Nội, hạn chế gãy đổ do gió bão nên hiệu quả hơn hẳn trước đây”.
Vì một Thành phố xanh - sinh thái
Vui mừng và phấn khởi với những kết quả đạt được trong năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, nhưng đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng còn nhiều việc phải làm để giữ gìn màu xanh cho TP. “Trồng được cây rồi phải chăm sóc cẩn thận để cây phát triển tốt, mà quan trọng nhất là bảo vệ được cây, bảo vệ không gian xanh cho Hà Nội” - vị này nói.
Chính vì vậy, hiện tất cả các đơn vị được cấp phép trồng và chăm sóc cây xanh đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định đặt ra.  Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Vũ Kiên Trung chia sẻ, để có một hàng cây ngay ngắn trên đường phố không đơn giản. Trước tiên phải được lãnh đạo TP và các chuyên gia thẩm định, đánh giá, sau đó được ươm lớn, khỏe mạnh trong vườn rồi mới đem ra trồng. Suốt thời gian bảo hành (tối thiểu là 1 năm) cây nào chết phải được thay mới ngay, cây phát triển tốt thì được chăm sóc kỹ càng, cẩn thận.
Bên cạnh những cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng, Hà Nội còn rất cần sự chung tay, chia sẻ trách nhiệm một cách thiết thực của mỗi gia đình, mỗi người dân. Ông Lê Hữu Công nói: “Trồng cây, giữ cây là trách nhiệm không của riêng ai. Nếu TP cứ trồng mà người dân lại thiếu ý thức bảo vệ, giữ gìn thì cũng như không”. Trên thực tế, hiện vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân chưa có ý thức giữ gìn, bảo vệ cây xanh. “Để trồng được một cái cây cho bóng mát có khi phải mất hàng năm, vậy mà phá hoại thì chỉ trong chớp mắt” - ông Công nói.
Bước sang năm 2017, những khoảng trống giữa lòng Hà Nội sẽ tiếp tục được lấp đầy bằng màu xanh của cây cối. Mỗi công dân Thủ đô hãy cùng nhau bảo vệ, giữ gìn để Hà Nội thực sự trở thành một TP xanh - sinh thái và đáng sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần