Cầu Hồng Phú được chính quyền và người dân địa phương tạo điều kiện tối đa để thi công. Ảnh: Ngọc Hải |
Cây cầu nhỏ mang niềm vui lớn
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng, sửa chữa 34 cầu yếu khu vực nông thôn ngoại thành. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, nên cho đến thời điểm này, đại đa số trong 34 công trình giao thông cấp bách trên mới được hoàn thành hoặc đang gấp rút thi công. Theo thống kê của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội, 20 cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 7 cầu khác đang chạy đua rút ngắn tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Một số cầu còn lại đang lựa chọn nhà đầu tư hoặc tính toán phương án thiết kế.Anh Dư Trung Tưởng, ở huyện Mỹ Đức chia sẻ: “Phải là người dân địa phương như chúng tôi mới hiểu hết được giá trị lớn lao của những cây cầu nhỏ này”. Anh Tưởng kể, trước khi có cây cầu Mỹ Hòa bắc qua sông Đáy, người dân xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) như sống trong một ốc đảo; phải sử dụng cầu phao dân sinh tự chế để qua sông, vô cùng nguy hiểm. Bởi thế, từ khi có dự án xây cầu Mỹ Hòa, người dân đã khấp khởi mong chờ. Đêm trước ngày khánh thành cầu, nhiều nhà mở tiệc, mời anh em trên công trường chung vui, rồi nối nhau lên cầu hát hò như đi hội.Trưởng phòng Kế hoạch, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Anh Đức cho biết, những nơi công trình cầu còn dang dở thì người dân mong ngóng từng ngày, quan tâm đến công trình như chính ngôi nhà của mình. Ví như cầu Hồng Phú, nối 2 xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) và Phú Minh (huyện Phú Xuyên); cầu Hạ Dục (huyện Chương Mỹ)… người dân còn tự nguyện cho đơn vị xây dựng mượn đất, cắt sân để thi công cầu dù chưa có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Người dân vẫn đi qua cầu Hồng Phú (cũ), huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Hải |
Theo lý giải của anh Hùng, tại vị trí cầu Gốm hiện nay chỉ có một cầu phao dân sinh cũ nát, bập bềnh vừa khó đi vừa nguy hiểm, nhất là vào mùa nước lên. Nhưng từ vị trí cầu Gốm, đi về phía cầu Zet để qua sông phải mất thêm 3km; đi về phía cầu Hạ Dục phải mất thêm 2km, nên nhiều người dân vẫn phải lựa chọn sang sông tại đây. Ông Nguyễn Anh Đức thông tin thêm, cầu Gốm gồm 3 nhịp, dài 97m, bề rộng 10m, đang được khẩn trương thi công, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10 tới, rút ngắn tiến độ được 6 tháng.Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đánh giá, việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, trong đó sửa chữa, nâng cấp hàng chục cây cầu yếu ngoại thành đã được thực hiện rất có hiệu quả. Nhiều công trình đã đảm bảo và vượt tiến độ; cắt giảm được chi phí đầu tư so với dự toán đề ra thời gian trước. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta đã hiện thực hóa, cụ thể hóa được quyết tâm của TP, không bỏ nông thôn lại phía sau trong bước phát triển chung.
“Có thể nói những cây cầu đã và đang góp phần quan trọng xóa nhòa khoảng cách về địa lý, kinh tế và văn hóa giữa nông thôn, ngoại thành với đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội” - vị này nhìn nhận.Nhiều người dân ngoại thành Hà Nội cho hay, sau bao năm chờ đợi, cuối cùng những cây cầu cũ kĩ, cầu phao dân sinh tự chế cũng đã dần được thay thế. Ý nghĩa và vai trò của những cây cầu mới không thể lấy gì đo đếm được. Và đó là điều như anh Dư Trung Tưởng chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị: “Không chỉ giúp giao thông được kết nối thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; mà quan trọng hơn nữa, điều đó còn thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu của các cấp chính quyền TP đối với người dân nông thôn chúng tôi”.