Xây dựng bộ quy định dán mác “Made in Vietnam”: Ngăn chặn hành vi trục lợi, lừa dối người tiêu dùng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định ghi nhãn hàng hóa tiêu thụ trong nước của Việt Nam dù mang tính bắt buộc nhưng để cho DN tự lựa chọn nội dung ghi nhãn phù hợp liên quan tới xuất xứ. Tuy nhiên, với nguyên tắc "tự nguyện, tự chịu trách nhiệm" này, không ít DN đã tùy tiện hoặc lạm dụng để đánh lừa người tiêu dùng. Bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách là cần sớm xây dựng bộ quy định thế nào được coi là "Sản xuất tại Việt Nam" để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

Người tiêu dùng tham khảo mua sản phẩm LiOA tại siêu thị HC. Ảnh: Thanh Hải
Dán nhãn “Made in…” để làm gì?
Ở các nước đang phát triển, dán nhãn "Made in..." là để hưởng ưu đãi thuế quan, ưu đãi hạn ngạch với sản phẩm xuất khẩu, hay làm tăng hoặc giảm giá trị hàng hóa nhờ ảnh hưởng của nhãn xuất xứ đối với hàng nhập khẩu. Chính vì thế, người ta thường hay nói về hai loại quy tắc xuất xứ (QTXX) chính: "QTXX ưu đãi" nhằm mục đích được hưởng thuế quan ưu đãi tại thị trường nhập khẩu và "QTXX không ưu đãi". Mục đích là giúp DN hưởng ưu đãi thuế, nên nước xuất xứ thường cố gắng tận dụng quy định để DN mình có lợi thế, nước nhập khẩu thì siết chặt việc kiểm tra để khỏi thất thu thuế. Đây là lĩnh vực phức tạp với nhiều quy định dài dòng, chi li và phức tạp. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do viết rõ về các trường hợp này, các nước cứ áp theo nội dung hiệp định để thực hiện.
Điều 10 Nghị định 43 ghi rõ, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy theo theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. Điều 15 Nghị định 43 yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Vấn đề đặt ra là "xuất xứ làm tăng hay giảm giá trị hàng hóa" lại chưa được đề cập. Ở góc độ xác định xuất xứ cho mục đích thương mại quốc tế thì luật lệ Việt Nam có đầy đủ và cũng theo thông lệ, nhưng chỉ để áp dụng cho hàng xuất khẩu hay nhập khẩu. Còn khi áp dụng cho hàng tiêu dùng trong nước, thì quy định cụ thể tiêu chí nào để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là chưa có. Nói cách khác, dường như quy định về QTXX là vì lợi ích của nhà sản xuất, chứ chưa tính đến lợi ích của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến không ít sự tranh cãi như: Điện thoại Samsung lắp ráp ở Việt Nam có được gọi là sản phẩm "Made in Vietnam" không? Mua toàn bộ linh kiện ở Trung Quốc về lắp ráp đơn giản ở Việt Nam sao lại nói là hàng Việt Nam chất lượng cao?

Gần đây nhất là Nghị định 31/2018 của Chính phủ và Thông tư 05/2018 của Bộ Công Thương đều về xuất xứ hàng hóa. Ở đây có những quy định rõ ràng, chẳng hạn nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là "nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó”. Không những thế, kèm thông tư này, Bộ Công thương đưa ra hẳn một danh mục quy tắc cụ thể các mặt hàng dài hơn 250 trang và việc thay đổi cơ bản hàng hóa đó được xác định qua hai tiêu chí: hoặc là làm thay đổi mã số hàng hóa được sử dụng cho việc phân loại hàng hóa trên phạm vi toàn cầu hoặc tỉ lệ phần trăm giá trị nội địa hóa, mà thường là 30%.

Giá trị gia tăng nằm ở chất lượng sản phẩm

Các sản phẩm tiêu thụ nội địa ghi xuất xứ thế nào là vấn đề nội bộ của từng quốc gia, các FTA không điều chỉnh việc này. Với Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định quy định nhiều vấn đề nhưng cơ bản nhất gồm 2 quy định: Trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ và các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực. Vấn đề ở chỗ, việc thiếu các quy định dán nhãn rõ ràng với hàng hóa lưu thông trong nước tạo ra các “khoảng trống” pháp lý mà DN có thể lợi dụng, trục lợi bất chính từ người tiêu dùng.
Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu Việt Nam đặt ra một quy định chặt chẽ về xuất xứ để sản phẩm có thể ghi “Made in Vietnam” thì chắc chắn nhiều sản phẩm sẽ không xác định được nguồn gốc xuất xứ; nếu quy định nới lỏng thì sẽ ảnh hưởng thương hiệu sản phẩm xuất khẩu, thương hiệu quốc gia và quyền lợi của người tiêu dùng.

Luật sư Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie

Theo các chuyên gia kinh tế, với đặc thù của chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, DN nhiều khi nhập hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới nên không dễ xác định xuất xứ. Do đó, nhiều nhà sản xuất sẽ ghi là "Made by Samsung" hoặc "Made by Nokia", tức ghi thông tin sản xuất bởi chính tên hãng đó. Đó là cách ghi trung thực, thể hiện thông tin như "được sản xuất tại…", "được sản xuất bởi…", hoặc "lắp ráp bởi…”. Rõ ràng với dây chuyền sản xuất hiện đại với chuỗi cung ứng toàn cầu trải dài nhiều nước, rất khó xác định xuất xứ chính xác cho sản phẩm. Do vậy, các nước cho phép DN được thông tin phù hợp nhất với đặc thù sản xuất.

“Thực tế, dù nhà sản xuất ghi là "Made in Vietnam" hay "Made in…" cũng không mang lại nhiều giá trị gia tăng bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, hậu mãi của DN đưa ra. Sức mạnh của người tiêu dùng mới là quan trọng nhất với một nhà sản xuất hay một thương nhân” - Luật sư Trần Ngọc Trung - cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie nhấn mạnh.

Chuẩn hóa quy định “Made in Vietnam”

Với người tiêu dùng, hiểu đơn giản “Made in Vietnam” chính là hàng sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhắc lại là thực tế, tại Việt Nam vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về việc ghi xuất xứ đối với hàng bán tại thị trường nội địa. Nhiều người tiêu dùng cho biết, xuất xứ không phải là thứ duy nhất họ quan tâm. Bên cạnh giá cả, chất lượng thì có một thứ họ quan tâm đó là thương hiệu. Ví dụ, nếu một sản phẩm như Apple thì phần lớn người tiêu dùng sẽ không quan tâm nó được lắp ở đâu và mặc định nó là hàng Mỹ. Bởi thực tế, thương hiệu Apple chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn sản phẩm của họ. Còn với những sản phẩm chưa có thương hiệu thì phần lớn chỉ quan tâm đến xuất xứ của nó.

Thực tế, tại Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu toàn cầu kiểu Apple nên người tiêu dùng quan tâm nhiều đến xuất xứ. Nhiều DN lợi dụng điều này để làm giả xuất xứ. Vì vậy, để siết chặt quản lý, ngăn chặn các hành vi trục lợi, lừa dối người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo, chuẩn bị lấy ý kiến người dân về một bộ quy định thế nào được coi là "Sản xuất tại Việt Nam" để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

“Nhiều chuyên gia đồng tình quan điểm, khi có quy định sẽ lợi cả đôi đường. Bởi, DN có cơ sở gắn mác “Made in Vietnam' lên sản phẩm”, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở xác định DN vi phạm hay không. Tuy nhiên, trong khi chờ một bộ tiêu chuẩn về hàng Made in Vietnam tiêu thụ trong nước, vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm, uy tín của chính DN với mỗi sản phẩm của mình. Bản thân cụm từ "Tự chịu trách nhiệm" trong quy định hiện tại của Nghị định 43/2017 của Chính phủ đã bao hàm nghĩa đó. Dù DN có ghi như thế nào trong xuất xứ hàng hóa của mình, có đẳng cấp, có công nghệ như thế nào đi chăng nữa mà người tiêu dùng không chấp nhận thì DN cũng thất bại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần