Xây dựng căn hộ 25m2: Phải làm tốt từ quy hoạch

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi sản phẩm bất động sản (BĐS) tại các đô thị lớn ngày càng “leo thang” về giá, những dự án nhà ở xã hội bị đình trệ do thiếu vốn đầu tư, Bộ Xây dựng đã cho phép dự án chung cư thương mại được xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ (25m2) để bán.

 Nhiều ý kiến khen – chê khác nhau nhưng đa phần đồng thuận và cho rằng để phát triển loại hình sản phẩm này cần phải làm tốt công tác quy hoạch, kiểm soát chặt về quy mô dân số tại khu vực có dự án.
Nhu cầu thực tiễn
Anh Trịnh Đức Toàn (quê Hà Nam), làm công nhân Nhà máy thép tại thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, anh và gia đình đã ra Hà Nội sinh sống hơn 10 năm. Ước muốn của gia đình là được sở hữu một căn hộ giá rẻ để không phải đi thuê nhà chịu cảnh nay tăng giá nhà, mai tăng giá điện, nước... nhưng với số tiền ít ỏi tích cóp được, việc sở hữu một căn hộ giá rẻ tại Hà Nội vẫn rất khó khăn.
 Căn hộ có diện tích từ 25m2 phù hợp với những người thu nhập thấp, gia đình trẻ chưa có tích lũy tài chính và người độc thân. Ảnh: Mai Vân
“Một căn hộ giá rẻ tại Hà Nội cũng lên tới hàng tỷ đồng, với mức thu nhập của công nhân vừa phải chi trả tiền sinh hoạt hàng ngày, vừa phải chi trả cho khoản mua nhà là quá sức đối với tôi. Khi có thông tin Nhà nước cho phép xây dựng và bán căn hộ có diện tích từ 25m2 tôi thấy rất mừng” – anh Toàn chia sẻ.
Trong khi đó, anh Trần Quang Chung – công tác tại bộ phận văn phòng (Đài truyền hình KTS VTC) cho biết đang thuê một phòng trọ khoảng 20m2 tại phố Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổng chi phí khoảng 4 triệu đồng/tháng. Anh cũng rất muốn mua một căn hộ diện tích nhỏ, giá vừa phải, nhưng có pháp lý rõ ràng.
“Tôi mới ra trường, chưa lập gia đình nên không có nhu cầu về chỗ ở quá rộng. Một căn hộ có diện tích khoảng 25m2 của một chủ đầu tư uy tín là rất phù hợp với tôi. Với mức giá đi thuê nhà hiện tại, khoảng 10 – 15 năm sau tiền thuê sẽ bằng tiền mua một căn hộ có diện tích 25m2” – anh Chung cho hay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Thông tư số 21/2019/TT-BXD, ban hành kèm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng nhà chung cư của Bộ Xây dựng đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của một bộ phận lớn dân cư - những người thuộc nhóm thu nhập thấp, gia đình trẻ chưa có thời gian tích lũy tài chính và những người độc thân tại các đô thị hiện nay.
Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho biết, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định chỉ tiêu diện nhà ở tối thiểu đến năm 2015 đạt bình quân 6m2/người và đến năm 2020 là 8m2/người.
“Căn cứ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có gần 27 triệu hộ gia đình; trong đó, có 11% hộ độc thân, tương đương khoảng 3 triệu hộ và 18,6% hộ có 2 người - tương đương gần 5 triệu hộ. Như vậy, số lượng cơ cấu hộ gia đình quy mô nhỏ, từ 1 - 2 người đặc biệt là hộ độc thân trên cả nước rất lớn. Loại căn hộ nhỏ sẽ đáp ứng nhu cầu của những hộ gia đình ít người” – ông Ninh cho hay.
Đồng quan điểm, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc xây dựng chung cư 25m2 là xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. “Hiện giá nhà ở Việt Nam cao gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân.
Bên cạnh đó, tại các đô thị lớn đang thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội, thiếu nhà cho thuê giá thấp. Vì vậy, các căn hộ chung cư 25m2 sẽ giúp giải quyết tốt vấn đề này” – ông Đính nhìn nhận.
Không để quá tải về hạ tầng
KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đều cho phép xây dựng căn hộ có diện tích nhỏ như: Pháp là 15m2, Hàn Quốc là 16m2, Thái Lan từ 18 – 20m2 hay ở New York (Mỹ) và một số TP của Italia... Việc cho phép căn hộ có diện tích nhỏ phát triển là phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình tại Việt Nam hiện nay.
“Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên là phải làm tốt từ công tác quy hoạch, đặc biệt ở khu vực nội đô liên quan đến các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các công trình dịch vụ... Khu vực nội đô vốn đã cơ bản hoàn thiện các quy hoạch, nay cho phép mô hình này phát triển thì cần phải rà soát lại. Văn bản cho phép không quá 25% tổng số lượng căn hộ tại một dự án nhưng không phải dự án nào cũng được phép như thế, mà có thể ít hơn tùy thuộc vào điều kiện hạ tầng tại khu vực đó” – ông Thanh cho hay.
Cũng theo KTS Nguyễn Văn Thanh, chính quyền các tỉnh, TP cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện dự án sau khi có văn bản hướng dẫn. Bởi không loại trừ sẽ có nhiều chủ đầu tư “lạm dụng” việc này để khai thác tối đa công suất căn hộ được cho phép, dễ dẫn đến nguy cơ vượt quá quy mô dân số.
“Chiếu theo quy định cũ, một dự án có khoảng 500 – 600 căn hộ, thì quy định mới dự án đó sẽ tăng lên thành 700 – 800 căn (một căn 50m2 có thể chia thành hai căn 25m2 – PV). Khi cấp phép, chính quyền các địa phương cần căn cứ theo quy hoạch chi tiết từng phân khu, đảm bảo các tiêu chí về dân số, mật độ xây dựng, chiều cao công trình... để siết chặt quy mô dân số và không quá tải về hạ tầng” – ông Thanh nói.

"Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, với xu hướng thiết kế môi trường thông minh, khả năng các thiết bị phục vụ sinh hoạt có thể thu nhỏ kích thước đáng kể nhưng không ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nên việc phát triển mô hình này, trong một số tình huống nhất định, có thể đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu thực tế của người dân." - Chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị, TS.KTS Hoàng Hữu Phê

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần