Xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội theo hướng đô thị thông minh

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 3/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo Thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH) giữa chính quyền T.Ư với chính quyền TP Hà Nội; giữa các cấp chính quyền của TP trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và xây dựng đô thị thông minh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chính quyền đô thị Nguyễn Đức Chung chủ trì hội thảo.
 Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chính quyền đô thị Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc hội thảo.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội. Hội thảo được tổ chức với mong muốn tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia về các vấn đề lý luận, thực tiễn để đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị, đổi mới cơ chế phân cấp, ủy quyền; tạo điều kiện nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với chính quyền đô thị TP Hà Nội, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh hiện nay.
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Hội thảo khoa học xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý về đánh giá thực trạng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, xây dựng, đất đai, văn hóa- xã hội của chính quyền TP Hà Nội trong thời gian qua; chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế. Trên cơ sở đó, đưa ra đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực nêu trên phù hợp với định hướng xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội theo hướng đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, tập trung đánh giá thực trạng phân cấp giữa Chính phủ, Bộ, ngành trung ương với chính quyền TP Hà Nội và giữa các cấp chính quyền thành phố trên các lĩnh vực: quy hoạch, kế hoạch, đầu tư ; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai ; tổ chức bộ máy; quản lý đô thị; văn hóa- xã hội…; trong đó chỉ ra những thuận lợi, khó khăn cũng như những vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật và thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ phân cấp trên địa bàn thành phố theo từng lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, bộ, ngành và thành phố hiện nay trong từng lĩnh vực, cũng như những điều kiện, cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện phân cấp của TP trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội như: kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực…
  PGS.TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tham luận tại hội thảo
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, bộ máy chính quyền các cấp của TP cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất hợp lý về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực... Thực tế đó đòi hỏi cần có những nghiên cứu, trao đổi và thống nhât trong nhận thức về những vấn đề mang tính lý luận cũng như thực tiễn đối với mô hình tổ chức, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của chính quyền đô thị ở thành phố Hà Nội, đáp ứng yêu cầu bối cảnh tình hình mới.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng mong muốn tại hội thảo các vị đại biểu, chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: Định hướng phát triển đô thị thông minh; Những điều kiện đảm bảo cho việc phát triển đô thị thông minh và tác động đến nhiệm vụ quản lý nhà nước của các CO' quan chuyên môn và các cấp chính quyền của thành phố.

Tập trung làm rõ những vướng mắc, chồng chéo hiện nay trong công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực: kế hoạch- đầu tư; tài chính- ngân sách; đất đai; quy hoạch; xây dựng; văn hóa- xã hội… Các giải pháp cơ bản, cốt lõi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị thành phố theo hướng đô thị thông minh đối với từng lĩnh vực: kế hoạch- đầu tư; tài chính- ngân sách; đất đai; quy hoạch; xây dựng; văn hóa- xã hội.

Tập trung đánh giá thực trạng phân cấp giữa Chính phủ, Bộ, ngành trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội hiện nay, nêu rõ nhũng hạn chế, bất cập trong các văn bản quy định đối với từng lĩnh vực: quy hoạch, kế hoạch, đầu tư; tài chính- ngân sách; quản lý đất đai; tổ chức bộ máy; quản lý đô thị; văn hóa- xã hội...

Thực tiễn triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ, ngành trung ương phân cấp cho thành phố trong thời gian qua, làm rõ những hạn chế, vướng mắc, bất cập đối với đặc thù của thành phố Hà Nội là đô thị lớn, đặc biệt; Đề xuất những cơ chế, chính sách phân cấp đặc thù đối với thành phố Hà Nội các lĩnh vực nói trên...

Tại hội thảo, có 13 ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tập trung làm rõ và phân tích sâu những nội dung như đánh giá kết quả đạt được trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, xây dựng, đất đai, văn hóa- xã hội của chính quyền thành phố Hà Nội trong thời gian qua; chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế...

 Toàn cảnh hội thảo

Qua nghe 13 ý kiến đóng góp tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ trân trọng cảm ơn các đại biểu. Các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý. Đóng góp cụ thể vào việc sắp xếp lại các bố cục, các chuyên đề cho hợp lý và phân tích rõ những hạn chế trong nội dung các chuyên đề, đồng thời nêu một số kiến nghị về mô hình, phạm vi của chính quyền đô thị Hà Nội, giữa kết hợp quản lý giữa chính quyền đô thị nội đô và vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, đã đánh giá kết quả đạt được trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, xây dựng, đất đai, văn hóa - xã hội của chính quyền thành phố Hà Nội trong thời gian qua; chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế.

Đưa ra những đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực nêu trên phù hợp với định hướng xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội theo hướng đô thị thông minh.

Hội thảo cũng tập trung đánh giá thực trạng phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành với chính quyền thành phố Hà Nội, cụ thể trong các lĩnh vực: quy hoạch, kế hoạch, đầu tư ; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, tổ chức bộ máy; quản lý đô thị; văn hóa - xã hội… đối với từng lĩnh vực đã chỉ ra được những thuận lợi, khó khăn cũng như những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước đối với thành phố hiện nay. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã tập trung làm rõ những bất cập, vướng mắc trong việc phân cấp nhiệm vụ trên một số lĩnh vực giữa các cấp chính quyền thành phố và giữa các sở, ban, ngành… trong thời gian qua.

Các ý kiến đóng góp đã nêu rõ đề án cần xác định những nhiệm vụ nào, cơ quan nào làm tốt thì tiếp tục phát huy, góp ý về thực hiện dịch vụ công thì nhà nước nên làm gì và doanh nghiệp, người dân làm gì. Đồng thời cần có phân cấp, phân quyền rõ, trong đó đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của bộ máy chính quyền.

Đại biểu đóng góp cụ thể về thành phố thông minh bao gồm tiêu chí gì, ứng dụng gì, dịch vụ nào, giai đoạn cụ thể như thế nào.

Hội thảo cũng đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị về việc đẩy mạnh phân cấp trong từng nhiệm vụ cụ thể từ Chính phủ, bộ, ngành cho thành phố Hà Nội. Các cơ quan Trung ương cần có những cơ chế, chính sách phân cấp đặc thù đối với thành phố Hà Nội, đặc biệt đối với các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư; tài chính - ngân sách; đất đai; tổ chức bộ máy… kèm theo đó là những điều kiện cụ thể để đảm bảo cho Thành phố triển khai thực hiện những nhiệm vụ nói trên, tạo điều kiện cho chính quyền thành phố tổ chức công việc đảm bảo tính phản ứng, chỉ đạo, điều hành nhanh nhạy, kịp thời, xuyên suốt, để xây dựng và thực hiện thành công Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội.

Các ý kiến nêu rõ tính pháp quyền trong quá trình quản lý điều hành của chính quyền đô thị, sự tham gia của người dân nhiều hơn trong điều hành của chính quyền thành phố. Trên cơ sở đó, TP sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, phục vụ việc hoàn thiện nội dung Đề án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần