Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng chính quyền đô thị: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/3, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội và Tổ soạn thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đã tiến hành khảo sát ở quận Đống Đa, phục vụ xây dựng đề án. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo chủ trì buổi làm việc.

Theo lãnh đạo quận Đống Đa, là đơn vị hành chính loại I, quận có 21 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc (17 phường loại I và 4 phường loại II). Kinh tế trên địa bàn quận luôn có mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch vững chắc theo hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp, các thành phần kinh tế được khuyến khích, tạo điều kiện đầu tư phát triển; giá trị sản xuất của các ngành kinh tế tăng bình quân 13,15%/năm.
Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật cho rằng, xây dựng chính quyền đô thị cần phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, cần tăng cường CCHC, số hóa hành chính; từng bước chuyển dịch vụ công. Còn nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền là làm chức năng quản lý Nhà nước cùng với đó là phát huy vai trò của tòa án, đảm bảo ổn định, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của từng cấp.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo phát biểu tại buổi khảo sát.
Lãnh đạo quận và một số phường đều nhất trí nên thí điểm bỏ HĐND cấp phường, thay đổi tổ chức HĐND, UBND cấp quận. Bên cạnh việc, một số đại biểu nêu rõ quan điểm về tính khả thi của việc thực hiện các nội dung liên quan để tổ chức bộ máy, nhất thể hóa một số chức danh liên quan. Một số đại biểu cũng đề xuất xem xét lại việc quy định tại điều 62 Luật Tổ chức chính quyền địa phương phường loại II; Không nên phân biệt ngạch công chức phường và công chức cấp quận trở lên; Cần tăng biên chế cho các chức danh chuyên môn của UBND phường trên cơ sở xác định cụ thể các chức danh công chức phường theo hướng ổn định và chuyên sâu về nghiệp vụ. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, không nên luân chuyển cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp trong những phường đang trong quá trình GPMB. Giao các phường chủ động điều tiết về số lượng, phụ cấp đối với lực lượng bán chuyên trách. Tại cấp phường chỉ nên thực hiện một số công tác dịch vụ hành chính do TP giao. Cùng với đó, lãnh đạo quận Đống Đa cũng đề xuất, hệ số lương của một số chức danh không chuyên trách quá thấp, không đảm bảo cuộc sống, ổn định trong công tác nên xem xét phương án tăng phụ cấp.
Qua buổi làm việc, đoàn khảo sát cũng lắng nghe các ý kiến trao đổi thẳng thắn về bất cập, hạn chế và kiến nghị, đề xuất hình thức, nội dung của mô hình chính quyền đô thị. Lãnh đạo nhiều phường cũng bày tỏ, nếu xây dựng chính quyền đô thị, bộ máy chính quyền tinh gọn, không còn HĐND, tất cả mọi công việc đều thông qua HĐND TP. Đây là mô hình có tính khả thi cao, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm của cấp hành chính, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ xây dựng thành công đề án chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, mang lại lợi ích cho người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu nêu, đồng thời khẳng định, việc xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội phải bàn về 3 vấn đề chính: Chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và phân cấp phân quyền theo nguyên tắc, bảo đảm sự tinh gọn, thiết thực, hiệu quả. Việc tổ chức bộ máy cũng cần đi theo xu thế chung trong quản lý là tách bạch quản lý nhà nước và dịch vụ công. Chỉ ra trên thực tế còn nhiều việc chưa hợp lý như chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo nhiều giữa các ngành, các cấp; việc phân cấp, phân quyền chưa phù hợp, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho rằng, cần có chuyên đề phân tích về vấn đề này, thậm chí có những việc phải đề xuất sửa đổi Luật cho phù hợp thực tiễn. Vấn đề về tổ chức bộ máy phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá.