Xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm: Minh bạch thông tin nông sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (ATTP), không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho đơn vị sản xuất mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Liên kết sản xuất theo chuỗi được xem là hướng đi bền vững cho nông nghiệp của Thủ đô.

 Người dân chọn mua hàng tại Hội chợ nông sản và tiểu thủ công nghiệp tổ chức tại Hà Nội năm 2017. Ảnh: Lâm Nguyễn
Nhiều lợi ích
Năm 2010, trên quy mô hơn 2ha, HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai) bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi lợn. Sau những khó khăn ban đầu, đến nay quy mô trang trại được duy trì ổn định với khoảng 400 lợn nái và 3.600 lợn thịt. Mỗi ngày, trang trại cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Quyết tâm hoàn thiện toàn bộ chuỗi sản xuất an toàn, đến nay sản phẩm mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm AZ” của HTX Hoàng Long ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Thống kê đến nay, toàn TP có trên 20 chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu, trong đó có 5 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể”. Bên cạnh 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, toàn TP hiện đã xây dựng được 38 chuỗi liên kết ATTP có nguồn gốc thực vật, chủ yếu là gạo, chè, rau an toàn, trái cây…
Trong đó hình thành 20 chuỗi ATTP áp dụng Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS). Tham gia tiêu thụ sản phẩm từ các chuỗi có 208 DN với mức tiêu thụ khoảng 42 tấn/ngày. Giá nông sản bán ra thị trường ổn định và cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Việc liên kết sản xuất theo chuỗi không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua cơ hội tiếp cận với nông sản chất lượng. Mỗi ngày, các chuỗi liên kết chăn nuôi cung ứng cho thị trường 13 tấn thịt gia cầm, 26 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 282.000 quả trứng và 78 tấn sữa.

Kiểm soát sản phẩm bằng công nghệ

Dù mang lại giá trị kinh tế lớn nhưng việc liên kết sản xuất theo chuỗi ATTP được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Sản xuất nhỏ lẻ vẫn phổ biến, tiêu thụ nông sản bấp bênh, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, việc thiếu những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung khiến ATTP vẫn là vấn đề nóng bỏng…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết có chứng nhận VietGAP, HACCP, GMP… Khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học.
Đặc biệt, phát triển việc ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy suất nguồn gốc đảm bảo ATTP, tập trung tại các HTX, trang trại, siêu thị, chợ đầu mối… Phấn đấu đến năm 2020, 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn TP ứng dụng mã QR truy suất nguồn gốc, minh bạch thông tin thực phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, tăng tỷ lệ truy suất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30 - 50%.

Để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, ông Tường kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi. Trong đó, các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm, nhằm khuyến khích các tác nhân tham gia phát triển chuỗi. Bên cạnh đó, TP tiếp tục duy trì, xây dựng và phát triển bộ mã QR Code để thực hiện minh bạch thông tin điện tử nông sản, bao gồm cả sản phẩm từ các tỉnh đưa về Hà Nội.
Đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã thí điểm cấp 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 21 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn TP và các địa phương lân cận để tập trung quảng bá các sản phẩm an toàn theo chuỗi.