Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Nên tập trung hướng nghiệp

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các chuyên gia cho rằng, chương trình tổng thể vẫn buộc học sinh (HS) phải học quá nhiều môn, ít tập trung vào những lĩnh vực cần cho nghề nghiệp sau này.

Chưa chú trọng phân luồng

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vẫn bắt HS phải học quá nhiều môn, mà không có điều kiện đi sâu vào những lĩnh vực cần cho nghề nghiệp tương lai. Như ông phân tích, dự thảo vắng bóng hoàn toàn các môn chuẩn bị định hướng nghề nghiệp cho HS, chưa quan tâm những HS có nguyện vọng theo học các ngành Kiến trúc, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục thể thao... Nội dung học tập vẫn giới hạn trong một số môn học truyền thống: Ngữ văn, Toán, Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh... không đáp ứng được nhu cầu định hướng nghề nghiệp rất đa dạng. Chung quan điểm này, GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội còn cho hay, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định, HS học hết THCS đi học nghề ngay được miễn hoàn toàn chi phí đào tạo. Vậy nhưng việc miễn học phí này vẫn chưa đủ lực hút HS.

Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh Phổ thông tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhìn vào thực tế trường lớp, rõ ràng vấn đề phân luồng đang là điểm yếu của giáo dục hiện nay. Việc phân luồng mới chỉ "chớm" ở bậc sau khi hết thúc THPT, nên nhiều học sinh sau khi thi trượt đại học, không có hướng đi nào khác mới quay sang học nghề. Thế nên GS Đào Trọng Thi rất hợp lý khi đề xuất: “Giáo dục cần chủ động phân luồng sau bậc học THCS”.

Xuất phát từ người học

Nhìn vào hệ thống các môn học trong trường phổ thông hiện nay, các chuyên gia đều thừa nhận, HS đang phải học tới 14 môn là quá nhiều. Nhiều thế nên môn học nào cũng có vẻ như "cưỡi ngựa xem hoa", không chuyên sâu, không có bước chuẩn bị để tiếp cận nghề nghiệp sau này. Trước đòi hỏi đổi mới, các chuyên gia cho rằng, thay vì dạy tràn lan hơn 10 môn học trong suốt 3 năm THPT, HS cuối cấp chỉ cần tập trung vào một số môn có tính hướng nghiệp do các em lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích. PGS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ở cấp THPT, phân hóa theo hướng tự chọn nên làm rõ kiến thức cốt lõi là gì, như thế sẽ giảm được số môn học bắt buộc. "Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần xuất phát từ người học, dạy học là phải dạy cách học chứ không phải dạy từng thứ một” – PGS Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, nếu HS lớp 10 THPT chưa đủ độ chín để định hướng nghề nghiệp đúng sở trường và lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp thì vẫn được học đủ các môn, nhưng nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn chương trình hiện hành, trừ 3 môn công cụ Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ. Từ lớp 11, lớp 12, HS cần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng về định hướng nghề nghiệp, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phải bổ sung nhiều môn học hoặc nội dung học tập thuộc các lĩnh vực Công nghệ, Kinh tế, Tài chính, Nghệ thuật, Thể dục thể thao… Mỗi HS chỉ cần chọn khoảng 5 môn học, bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, các em có thể chọn thêm những môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai chương trình sách giáo khoa mới để kịp tiến độ hoàn thiện sau năm 2018. Với yêu cầu giảm tải các kiến thức trùng lặp, Bộ đã triển khai một số nội dung tích hợp liên môn, giao các trường tự chủ chương trình dạy học… Theo đó, HS sẽ được tăng cường tính chủ động, vận dụng thực hành kiến thức liên môn, từ đó có định hướng rõ hơn với nghề nghiệp phù hợp sở thích, năng lực của mình trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần