Monday, 08:07 26/05/2014
Xây dựng cơ chế để người dân tham gia giám sát
Kinhtedothi - Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội về Luật Đầu tư công, TS Trần Du Lịch cho rằng, cần mạnh tay hơn nữa, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức để lãng phí, đầu tư không hiệu quả; đồng thời cần phải xây dựng một cơ chế để người dân tham gia giám sát toàn diện.
Theo ông, Luật Đầu tư công khi ra đời liệu có khắc phục được những tồn tại trong hoạt động đầu tư hiện nay?
- Có thể nói, đây là bước đi quan trọng trong việc "siết" lại hoạt động đầu tư còn nhiều bất cập, cần thiết để khắc phục tình trạng lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công. Để khắc phục căn bản những tồn tại trong đầu tư công, cần phải đổi mới việc phân bổ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lần này mới xác định bản chất của dự án đầu tư công theo việc sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công. Cách phân loại này mới dựa vào quy mô, tính chất của vốn chứ chưa phân biệt nguồn vốn, đây là một khoảng trống trong Dự thảo Luật: Nếu đồng tiền theo cơ chế tự chủ của ngân sách địa phương thì khác, nếu do Quốc hội phân bổ cho địa phương lại khác. Chính vì thế, không cải cách về ngân sách và chính quyền địa phương thì không bao giờ giải quyết được cái gốc.

Vậy, để giải quyết được tận gốc những tồn tại trong đầu tư công, theo ông, Dự thảo Luật phải đáp ứng những yêu cầu gì?
- Quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, việc triển khai thực hiện kế hoạch, việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công thời gian qua cho thấy còn nhiều kẽ hở của pháp luật. Hậu quả là nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn, gây áp lực đến cân đối ngân sách Nhà nước... Dự thảo đã quy định rất nhiều về trình tự thủ tục đầu tư, nhưng cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Trong đó, quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng, đồng thời phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Theo ông, cần làm gì để nâng cao hiệu quả của các hoạt động đầu tư công?
- Nguyên tắc hiệu quả đầu tư công là nguyên tắc số một, là điều kiện tiên quyết đặt ra ngay từ khâu xem xét để ra các quyết định về chủ trương đầu tư và phải được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện. Trong thực tế có những dự án đầu tư công thực hiện đúng quy trình, thủ tục nhưng hiệu quả rất hạn chế. Do đó, cần làm rõ khái niệm "hiệu quả đầu tư" trên cơ sở đánh giá tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường…
Việc công khai, minh bạch và giám sát đối với các dự án đầu tư công rất quan trọng. Do đó, lần này, Dự thảo Luật Đầu tư công cần quy định cộng đồng được giám sát tất cả các dự án đầu tư công chứ không chỉ giới hạn dự án có vốn đóng góp của người dân. Dự thảo cần bổ sung các quy định công khai rộng rãi, có cơ chế để người dân giám sát, phản biện ngay từ đầu. Ngân sách cho đầu tư công là từ tiền thuế của người dân đóng góp, người dân và các tổ chức xã hội phải có quyền giám sát, đồng thời các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt đầu tư phải có trách nhiệm giải trình. Khi có người dân tham gia, công trình đảm bảo chất lượng hơn và người dân có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng công trình.
Ngoài ra, để tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ về hoạt động đầu tư công, cần đặt dự án Luật Đầu tư công trong tổng thể mối liên hệ chặt chẽ với các Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Ngân sách...
Xin cảm ơn ông!