Xây dựng cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù: Tạo động lực cho Hà Nội phát triển bền vững

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần này, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Tại phiên thảo luận toàn thể cuối tuần qua, đa số các ĐB Quốc hội ủng hộ việc ban hành cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù này, nhằm tạo động lực cho TP tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn.

 Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trần Dũng

Cơ chế đặc thù là cần thiết
Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển của TP đang đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), việc xem xét bổ sung cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội, cho phép TP huy động nguồn tài chính để đầu tư, phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách, phù hợp với thực tế phát triển, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.
Dự thảo Nghị quyết cho phép TP Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù từ năm 2021 - 2026 như: Quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước; mức dư nợ vay (nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc thủ đô phải bảo đảm khả năng trả nợ) và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính (cho phép tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính của TP để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng)… ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Nghị quyết đề xuất 9 cơ chế đặc thù, trong đó có 7 cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Hai nội dung còn lại trong dự thảo Nghị quyết khác biệt hơn so với Nghị quyết số 54 là: Hà Nội xin cơ chế sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi dư thì đầu tư cho những công trình cấp bách và cơ chế sử dụng ngân sách của TP để hỗ trợ cho những địa phương khác trong điều kiện gặp khó khăn. “Cơ chế này thể hiện rất rõ tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” – ĐB Hoàng Văn Cường nói và cho rằng, vì lẽ đó, không có lý do gì phải băn khoăn khi thông qua cơ chế này.
Hỗ trợ tốt hơn cho phát triển vùng
Đối với 7 cơ chế tương đồng với Nghị quyết số 54 mà Quốc hội đã thông qua cho TP Hồ Chí Minh, theo ĐB Hoàng Văn Cường, TP Hồ Chí Minh đang áp dụng rất hiệu quả thì không lý do gì Quốc hội phải băn khoăn khi áp dụng những cơ chế này đối với Hà Nội. Cùng với đó, trước thực tế còn rất nhiều thách thức đặt ra với Hà Nội trong công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị như nạn ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…, các ĐB cũng lưu ý là với cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù, Hà Nội phải có giải pháp để nhanh chóng khắc phục được các vấn đề còn tồn tại này.
Năm 2017, TP Hồ Chí Minh đã được Quốc hội cho phép thí điểm nhiều cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, tương thích như những cơ chế, chính sách tài chính đặc thù mà Chính phủ đề xuất cho Hà Nội lần này, thậm chí còn toàn diện hơn. Với những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mỗi sự phát triển của TP đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, hỗ trợ và kéo theo sự phát triển của các địa phương trong vùng, do đó cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần