Xây dựng Đảng về đạo đức – đòi hỏi tất yếu, khách quan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội, trước hết trong các tổ chức...

Kinhtedothi - Vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng được nói tới cách đây gần 20 năm tại Hội nghị T.Ư 5 (Khóa VIII - 7/1998). Tinh thần này được tái khẳng định tại Hội nghị T.Ư 9 (Khóa XI - 6/2014) với nội dung “xây dựng văn hóa trong chính trị. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể”. Đến Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên trong các văn kiện đề cập đến việc “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Vì sao cần quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức?

Xây dựng Đảng về đạo đức là một đòi hỏi tất yếu, khách quan của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt vừa lâu dài, gắn chặt với nội dung xây dựng chính trị, tư tưởng, tổ chức.

 
Xây dựng Đảng về đạo đức – đòi hỏi tất yếu, khách quan - Ảnh 1
Có 3 lý do đòi hỏi cần phải thật sự quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức. Một là, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, một “Đảng đạo đức, văn minh, chân chính cách mạng”. Ngay từ khi chuẩn bị các nhân tố thành lập Đảng, Người đã đặt lên hàng đầu tư cách của người cách mạng. Nhận thức đó thể hiện nhất quán, xuyên suốt đến tận cuối đời. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Hai là, 86 năm kể từ khi thành lập Đảng đến nay cho thấy lúc nào đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ được phẩm chất đạo đức thì cách mạng vững mạnh, thu được nhiều thành tựu; ngược lại lúc nào đảng viên, cán bộ suy thoái về đạo đức thì cách mạng gặp khó khăn, thậm chí có mặt thất bại.

Ba là, trong mấy chục năm đổi mới, bên cạnh những ưu điểm, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội và trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp là rất đáng lo ngại, “làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh; làm xói mòn, giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Khắc phục yếu kém còn chậm

Cho đến nay, việc khắc phục những yếu kém, khuyết điểm, suy thoái nghiêm trọng về đạo đức nêu trên còn chậm, chưa có những giải pháp đủ mạnh phù hợp để khắc phục, giải quyết. Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XI về xây  dựng Đảng chưa đạt kết quả như mong đợi. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy tội… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng. Những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới như trong Đảng có người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa đều, chưa đi vào chiều sâu; một số nơi còn mang tính hình thức.

Điều cần nhấn mạnh như Đảng ta đã chỉ ra là tuy có những yếu kém, khuyết điểm suy thoái về đạo đức kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, nhưng qua kiểm điểm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp vẫn chưa làm rõ thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình. Phải trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh. Người dạy rằng: “Nếu suy thoái về đạo đức thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”. Đảng ta cũng đã chỉ ra: “Bài học Liên Xô tan rã có một nguyên nhân rất cơ bản là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi. Đảng đông (21 triệu đảng viên) nhưng không mạnh, mất sức chiến đấu, nên khi tình hình xấu xảy ra đã tan rã” (bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, Tạp chí Cộng sản, số 833, tháng 3/2012, tr.9).

Với những nhận thức nêu trên, rõ ràng đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là đúng và trúng, hết sức cần thiết, là nhân tố cực kỳ quan trọng để Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Đạo đức cách mạng là “chí công vô tư”

Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng đi liền với  chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng là hai mặt gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời. Để rèn luyện đạo đức, đảng viên cần nhận thức đúng đạo đức, tư cách của Đảng ta, một Đảng chân chính cách mạng. Đảng ta không phải là một tổ chức đặc quyền, để làm quan phát tài, cầu danh, cầu lợi, hẹp hòi, nhỏ nhen. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Vì vậy, đạo đức cách mạng cao nhất của đảng viên là chí công vô tư, tức là phải luôn luôn, mọi lúc, mọi nơi, bất cứ việc gì đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của Tổ quốc, của Nhân dân; phải đặt lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc và Tổ quốc lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đảng viên phải thật thà, trung thành, hăng hái; phải quán triệt sâu sắc rằng lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nếu khi gặp lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, phải kiên quyết hy sinh lợi ích riêng của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Điều quan trọng là lòng mình chỉ biết vì Tổ quốc, vì Nhân dân thì sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi và hư hỏng con người. Tư tưởng và hành vi ham muốn địa vị, tham nhũng, luẩn quẩn trong vòng danh lợi, dối trá, vô trách nhiệm, nói không đi đôi với làm… là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, một thứ vi trùng rất độc, trái với lợi ích của Đảng, phải được loại ra khỏi Đảng.

Để mỗi đảng viên có được những phẩm chất đạo đức nêu trên, điều cần trước hết là phải nắm vững một trong những nguyên lý xây dựng Đảng hàng đầu là thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Đó là một quy luật phát triển Đảng. Tuy nhiên, tự phê bình và phê bình chỉ có kết quả trên cơ sở toàn Đảng được giáo dục về lý tưởng cộng sản, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Giáo dục cảm hóa là cần nhưng sự tha hóa không thể chấm dứt chỉ bằng tu dưỡng, thuyết phục. Tự giác là quan trọng, cơ sở hàng đầu nhưng khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền thì những vấn đề về biện pháp tổ chức, quản lý, tính khoa học của cơ chế, bộ máy thể hiện bằng nền dân chủ, kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước hết sức cần thiết, không thể xem nhẹ. Đặc biệt, phải dựa vào ý kiến của Nhân dân mà sửa chữa cán bộ và tổ chức như Bác Hồ dạy. Phải ghi nhớ và làm theo lời của Bác: “Sửa chữa sai lầm cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt… Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.5, tr.284).