Xây dựng giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi tình hình dịch Covid-19 đã bắt đầu lắng xuống, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) phải cùng DN tháo gỡ, đồng thời khởi động lại các công cụ, giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là BHXH tự nguyện.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân.
Tính đến ngày 31/5/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,404 triệu người, đạt 89,8% kế hoạch giao (giảm 11.500 người so với tháng 4/2020, giảm 796.000 người so với năm 2019). Cũng theo BHXH Việt Nam, tính đến 31/5/2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 600,6 nghìn người, đạt 50% kế hoạch giao (tăng 42.000 người so với tháng 4/2020, tăng 26.000 người so với năm 2019). BHYT là 85,078 triệu người, đạt 96,6% kế hoạch giao (giảm 109.000 người so với tháng 4/2020, giảm 849.000 người so với năm 2019).
Theo BHXH Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, DN và người lao động. Đây là nguyên nhân khách quan khiến một số chỉ tiêu phát triển của ngành có xu hướng giảm. Đặc biệt, trong tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều DN cắt giảm lao động, giảm giờ làm để phòng dịch; thực hiện giãn cách xã hội và tạm dừng tổ chức các hội nghị tập trung nên công tác tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện chưa triển khai đúng tiến độ; đối tượng tham gia BHYT giảm một phần là do giảm đối tượng nghèo, cận nghèo, thoát nghèo…
Đứng trước khó khăn trên, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tiếp theo, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành… đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp đến các cơ quan, DN và người dân. “Hiện nay tình hình dịch bệnh ở nước ta được kiểm soát khá tốt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thiết lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch, các DN cũng bắt đầu khởi động, tái sản xuất. BHXH các địa phương cần chủ động những giải pháp, xây dựng các kịch bản trong công tác thu, phát triển đối tượng” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
Các đơn vị BHXH duy trì, kịp thời gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT đến đơn vị sử dụng lao động, đơn vị quản lý đối tượng; danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho đại lý thu BHXH, BHYT để đôn đốc, vận động đối tượng tiếp tục tham gia. Đồng thời, các địa phương tăng cường tổ chức hội nghị khách hàng tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH. Tiếp tục triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp nhằm khai thác, phát triển đối tượng. Cùng với đó, triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và DN; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện.