“Xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích”

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một trong những nội dung cần hợp tác của các nước thành viên GMS là xây dựng một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó và giải quyết các thách thức chung.

Kiến nghị trên của Thủ tướng Chính phủ nêu lên trong phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) lần thứ 6 diễn ra ngày 31/3 tại Hà Nội.
Phát triển hạ tầng "chất lượng, xanh và thông minh"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu phần phát biểu với lời nhận xét, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung, khẳng định được bản sắc riêng là một cơ chế hợp tác khu vực có uy tín với chiến lược "Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh."
Thủ tướng dẫn chứng, hàng trăm dự án với tổng vốn trên 21 tỷ USD đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, năng lượng, viễn thông đến thương mại, nông nghiệp và môi trường. 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: VGP)
“Từng là khu vực của những quốc gia nghèo khó, chậm phát triển và biệt lập trong thế kỷ trước, đến nay GMS đã vươn lên và tự hào có những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mở cửa, tích cực hội nhập và có các thị trường rộng lớn, sôi động với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tuy vậy, theo Thủ tướng, GMS đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi các nước phải có cách tiếp cận sáng tạo và tầm nhìn dài hạn, tổng thể.
Một trong những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn nhấn mạnh là phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt trong khu vực GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài. Trong nội dung này, Thủ tướng cho rằng, một trong những yêu cầu là xây dựng cơ sở hạ tầng "chất lượng, xanh và thông minh," sử dụng nguyên vật liệu và công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường.
Thủ tướng cũng nêu lên quan điểm cần phát huy tối việc kết nối đa phương thức, kết hợp hài hòa vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy để các hành lang kinh tế của GMS. Thủ tướng Chính phủ cũng không quên nhắc tới yêu cầu Chú trọng kết nối thông tin – viễn thông và năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và quản lý sản xuất kinh doanh.
Nói thêm về vấn đề này, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen cho rằng, thời gian tới, các nền kinh tế GMS cần chú ý tận dụng việc kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng số để dòng di chuyển của đầu tư, thương mại, lao động được tự do, thuận lợi hơn.
Thủ tướng Campuchia cũng đề nghị các nước đẩy nhanh triển khai đầy đủ các hiệp định nhằm tạo thuận lợi cho giao thông xuyên biên giới.
Theo dõi sát tiến trình hợp tác

Ở hướng khác, ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho rằng, các nước trong GMS cần tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cạnh tranh và hợp tác giữa các khu vực biên giới, khu công nghiệp mới. Ông cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ là tấm vé một chiều không đưa các nước tới đâu. 
Ông nhấn mạnh quan điểm thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa trong các nước thành viên, các nước cùng tôn trọng, đối xử với nhau bình đẳng và giải quyết các vấn đề trong tiểu vùng Mekong mở rộng qua tham vấn. 
Cũng nói về tăng cường liên kết, Thủ tướng Thái Lan cho biết, nước ông có chính sách “Thái Lan+1,” tức là nhà đầu tư tới Thái Lan được khuyến khích để đầu tư ở khu vực các nước nước láng giềng.
Từ đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha kêu gọi các nước kết nối các đặc khu kinh tế trong GMS. Thủ tướng Thái Lan cũng đề nghị các nước tuân thủ 3 nguyên tắc: tin cậy, tôn trọng và các bên cùng có lợi.
Nói thêm về sự hợp tác giữa các nước, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh đề nghị các nước phải thực hiện các mục tiêu trong GMS đã đặt ra với các dự án cụ thể.
Thủ tướng Lào đề xuất cần tăng cường đánh giá kết quả hợp tác, theo dõi sát sao tiến trình hợp tác và kết quả của các cơ chế hợp tác trong GMS. Điều này theo ông nhằm đảm bảo có một bức tranh toàn cảnh về tiến độ và chất lượng thực hiện các dự án liên kết.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng góp ý, các nước thành viên cần xây dựng GMS thực sự là một cộng đồng cùng chung lợi ích, cùng nhau ứng phó, giải quyết các thách thức chung. Theo Thủ tướng, điều này rất cần sự hợp tác chân thành, thẳng thắn, từ đó tạo niềm tin để cùng nhau hành động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, GMS cần phát huy cơ chế hợp tác mở với sự tham gia của quốc gia, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.
Với những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng bày tỏ GMS hoàn toàn tự tin tiếp tục tiến bước với vai trò là cơ chế hợp tác đầu tiên, có vai trò chủ chốt ở khu vực Mekong vì hòa bình, phát triển bền vững mang lại thịnh vượng cho mọi người dân.