Xây dựng Hà Nội trở thành đô thị xanh, hiện đại

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, với việc tập trung thực hiện các đột phá trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, diện mạo đô thị của Hà Nội đang ngày càng đổi mới, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Lê Việt
Ngày càng khang trang, hiện đại
Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một TP hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực cũng như thế giới. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về giải phóng mặt bằng; quản lý nhà chung cư; trật tự, văn minh đô thị..., góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, xây dựng đô thị.

Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian qua, TP Hà Nội đã phê duyệt hàng loạt đồ án quy hoạch, đưa tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2019 đạt 86%. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử. TP cũng tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như: Hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; ga Hà Nội và khu vực phụ cận. Bên cạnh đó, TP đã và đang xây dựng 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Xây dựng và triển khai các quy chế, quy định về cấp giấy phép quy hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt, cắm mốc giới, quản lý theo quy hoạch; quản lý khu phố cổ...
Hà Nội cũng tập trung huy động nhiều nguồn lực lớn (từ ngân sách, đối tác công tư, xã hội hóa) đầu tư các dự án trọng điểm hạ tầng khung giao thông, góp phần nâng tỷ lệ diện tích đất đô thị dành cho giao thông tăng từ 8,56% (năm 2015) lên 10,05% (năm 2020).

Đáng chú ý, vào tháng 5/2020 vừa qua, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với bản quy hoạch này, Hòa Lạc trong tương lai không xa sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước...

Để tiến gần hơn nữa các mục tiêu đã đề ra, Hà Nội cũng xác định xây dựng Quy hoạch phát triển TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Luật Quy hoạch năm 2017); rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Hà Nội sớm trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ… Hà Nội cũng hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách của cả T.Ư và Hà Nội trên địa bàn. Theo thống kê, TP xác định danh mục 55 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành như: Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; nút giao Cổ Linh; cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên... giúp giải quyết bức xúc dân sinh, giảm ùn tắc giao thông.

Nâng chất lượng sống của người dân

Một điểm nhấn nữa là TP đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội đã khởi công xây dựng thành phố thông minh tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, đánh dấu việc triển khai mạnh mẽ chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp cũng được đẩy mạnh. Trong đó, TP triển khai thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích 272,45ha, cung cấp thêm 2,5 triệu mét vuông sàn nhà ở. Cùng với việc chủ động phát triển nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng, Hà Nội đã từng bước thực hiện cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở TP với tổng diện tích sàn nhà ở đã phát triển mới giai đoạn từ 2016 đến nay là 25,3 triệu mét vuông, đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, để tạo lập một đô thị xanh, góp phần nâng cao chất lượng, mức độ dịch vụ đô thị, TP đã hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600.000 cây. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới; các tuyến phố được chỉnh trang, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Hà Nội cũng huy động mọi nguồn lực đầu tư cấp nước sạch cho người dân khu vực ven đô, nông thôn.

Những dấu ấn đậm nét trong quy hoạch, phát triển đô thị sẽ là đòn bẩy để Hà Nội ngàn năm văn hiến phát triển, vươn cao vươn xa trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần