Xây dựng hạ tầng chuẩn bị cho tương lai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 10 năm trước, người dân Hà Nội còn khá lạ lẫm với những hầm chui, cầu vượt,...

Kinhtedothi - Khoảng 10 năm trước, người dân Hà Nội còn khá lạ lẫm với những hầm chui, cầu vượt, cầu đi bộ, cao tốc trên cao, đường sắt trên cao… Thế nhưng, 5 năm trở lại đây, những công trình giao thông đó lần lượt được xây dựng, và khi đi vào sử dụng đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc giảm tải áp lực hạ tầng giao thông Thủ đô.

Diện mạo mới

Năm 2015, năm cuối cùng thực hiện các Chương trình 06 và 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XV; Kế hoạch 81/KH-UBND của UBND TP, GTVT Hà Nội đã ghi đậm những dấu ấn phát triển trên cả 3 lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng hạ tầng; tổ chức giao thông; tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân TP.

Sau giai đoạn thi công chủ yếu bắt đầu từ năm 2010, trong năm 2015, hàng loạt tuyến đường lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai; QL5, đường Hồ Chí Minh, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3… được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã kết nối Hà Nội với các vùng kinh tế lớn của cả nước. Cùng với đó, diện mạo giao thông của Thủ đô cũng chuyển biến mạnh mẽ. Hàng chục cầu đi bộ, cầu vượt nhẹ được lắp đặt tại các nút giao lớn; 2 hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa thông xe vào 31/12/2015...
Đường Võ Nguyên Giáp.  Ảnh: Phạm Hùng
Đường Vành đai 3 trên cao đoạn qua quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết: "Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ để xây dựng hạ tầng, chính quyền TP còn quan tâm, giám sát chặt chẽ công tác tổ chức giao thông đô thị, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức cho người dân".

Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã thúc đẩy giao thông đô thị của Hà Nội chuyển biến tích cực, nhanh chóng. Năm 2012, cả TP có tới 89 “điểm đen” UTGT, nhưng đến hết năm 2015 đã xóa bỏ 59 điểm; mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt đạt mức chuyên chở thường xuyên gần 750 triệu lượt hành khách. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa cao và không có dấu hiệu chững lại, quy mô dân số đạt trên 7 triệu trong khi quỹ đất dành cho hạ tầng còn eo hẹp, có thể nói Hà Nội đã nỗ lực hết mình để vượt khó, vừa vận động từng ngày vừa tạo dựng nền móng cho tương lai.

Hiện tại gian nan

TS Đặng Minh Tân - Giảng viên bộ môn Cầu đường bộ, Đại học GTVT nhận định: "Phát triển, mở rộng hạ tầng giao thông là xu thế tất yếu để chuẩn bị cho tương lai. Quá trình xây dựng khó tránh khỏi ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới lưu thông của cả TP, nhưng nếu không dám đối diện với khó khăn hiện tại thì sao có thể chuẩn bị tốt cho tương lai".
Mở rộng, nâng cấp hạ tầng, đẩy lui UTGT là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn trước mắt của Hà Nội. Giao thông có đủ năng lực đáp ứng thì kinh tế - xã hội mới có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng
Quả vậy, trong năm 2015, tình trạng UTGT trên nhiều tuyến đường xuyên tâm, hướng tâm đã gây nhiều khó khăn cho cả người tham gia giao thông lẫn những người làm công tác quản lý, điều hành giao thông TP. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là việc rào chắn lòng đường phục vụ thi công một số công trình lớn như hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội…
Thế nhưng, nhận định toàn diện của các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa gây UTGT nội bộ Hà Nội thực chất đến từ sự gia tăng đột biến quy mô dân số và lượng phương tiện cá nhân. Mặt khác, trong khi tiến độ xây dựng hạ tầng đang mải miết chạy đua với thời gian thì một bộ phận không nhỏ người dân lại chưa có ý thức chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Với hàng trăm vi phạm nhỏ mỗi ngày cũng tạo nên lực cản quá trình vận hành mạng lưới giao thông TP.
Đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Phạm Hùng
Đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Phạm Hùng
Một số chuyên gia còn cho rằng, xuất phát từ quy hoạch thiếu đồng bộ, phân bố mật độ dân cư không đồng đều, đô thị trung tâm thiếu tính kết nối với khu vực lân cận cũng đã và đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng vốn đã quá tải của Hà Nội. Điều này không sai, tuy nhiên thực tế đó lại xuất phát từ những khó khăn nội tại của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng: Thiếu vốn đầu tư, thiếu bề dày kinh nghiệm phát triển đô thị. Có thể nói, những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thời điểm này là điều khó tránh khỏi, nhưng sẽ càng thôi thúc hơn sự chung tay, đồng lòng của cả chính quyền, những người làm công tác tổ chức, quy hoạch giao thông, đô thị và người dân Hà Nội.

Tương lai bền vững

TS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành Giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, TP phải lấy hệ thống giao thông làm trọng tâm để quy hoạch và phát triển đô thị. Trên thực tế, giao thông chi phối mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Mạng lưới vận hành trì trệ, giao thông không đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối sẽ làm chững bước tiến Hà Nội trên con đường phát triển lâu dài.

Cũng theo TS Nguyễn Hoàng Hải, Thủ đô cần thực hiện toàn diện, đồng đều các giải pháp cấp bách như: Quy hoạch lại các phân vùng dân cư, giảm tải cho hạt nhân trung tâm; mở rộng vùng phục vụ, chú trọng phát triển quy mô mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt; tính toán hợp lý mật độ, quy mô các khu dân cư, nhà cao tầng trong nội đô sao cho phù hợp với khả năng đáp ứng của hạ tầng.

Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, mật độ đường giao thông của Hà Nội còn quá thấp, chiếm khoảng 8 - 11%; quỹ đất dành cho giao thông tĩnh mới đạt 0,35% diện tích TP; đã vậy quy mô dân số và lượng phương tiện cá nhân tại Hà Nội lại gia tăng mạnh, từng ngày chồng chất thêm áp lực cho hạ tầng. Từ thực tế đó, những người làm quy hoạch, quản lý đô thị cần song song điều chỉnh cả 2 hướng nội - ngoại mạng lưới giao thông Thủ đô.

Các chuyên gia cho rằng, nếu đô thị vệ tinh, khu vực lân cận được kết nối tốt, cùng với đó là siết chặt quy mô dân số, hạn chế hữu hiệu các khu dân cư tập trung sẽ hướng người dân ra không gian sống bên ngoài, giảm tải áp lực toàn diện cho nội thành. Hiện tại, TP cần có các biện pháp vận động, khuyến khích, tiến tới sẽ thắt chặt các quy định để hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân. “Một TP có hơn 7 triệu dân mà có tới gần 6 triệu phương tiện thì không một mạng lưới giao thông nào có thể đáp ứng nổi” - TS Nguyễn Hoàng Hải nêu rõ.

Bước sang năm 2016, Hà Nội sẽ vẫn đối diện với những khó khăn, thử thách trong quy hoạch, phát triển giao thông đô thị, nhưng những thành quả đạt được năm qua cho thấy, TP đang dần phát triển ổn định hơn, bền vững hơn, xứng tầm một đô thị văn minh, hiện đại.
Hà Nội đã đạt những kết quả khả quan trong cuộc chiến chống ùn tắc, đảm bảo ATGT nhưng vẫn có rất nhiều khó khăn xuất phát từ thực tế quy hoạch đô thị, ý thức cá nhân. Các cơ quan chức năng sẽ cần nhiều thời gian, tâm huyết và sự chung sức, đồng lòng hơn nữa của Nhân dân để đưa mạng lưới giao thông TP vào quỹ đạo ổn định, bền vững.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần