Xây dựng hình ảnh xe buýt văn minh, thân thiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/1, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tổ chức tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã đến dự.

Lượng khách đi xe buýt giảm

Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam cho biết, năm 2015, hoạt động xe buýt gặp nhiều khó khăn, do xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân gia tăng. Cùng với đó giá xăng dầu liên tục giảm làm cho giá vé xe buýt không còn hấp dẫn so với các loại hình vận tải khác như taxi, xe ôm...
Hành khách lên xuống xe tại trạm chung chuyển đường Hoàng Quốc Việt.  	Ảnh:  Công Hùng
Hành khách lên xuống xe tại trạm chung chuyển đường Hoàng Quốc Việt. Ảnh: Công Hùng
Để thu hút người dân đi xe buýt, Transerco đã phối hợp với Sở GTVT rà soát và hợp lý hóa biểu đồ chạy xe, lộ trình vận hành 39 tuyến, và mở rộng vùng phục vụ xe buýt đến một số xã trung tâm huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng... đồng thời khắc phục những bất cập trên hạ tầng xe buýt để người dân sử dụng xe buýt thuận tiện hơn. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng hình ảnh xe buýt ngày càng văn minh, thân thiện, đẩy mạnh triển khai theo lộ trình nhận diện mới về thương hiệu Hanoibus với biểu tượng cách điệu “Cánh chim hòa bình”; Đầu tư thay mới trên 100 xe buýt sàn bán thấp, tiêu chuẩn khí thải EURO 3 được trang bị đồng bộ cabin riêng cho lái xe và bảng Led điện tử thông tin hành khách cho 8 tuyến xe buýt, tiến tới chuẩn hóa toàn bộ phương tiện theo tiêu chuẩn xe buýt nội đô có sàn bán thấp, có cabin riêng cho lái xe phù hợp với điều kiện giao thông Hà Nội. Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm trên tất cả các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng hoạt động xe buýt, nhất là về thái độ phục vụ của lái xe, bán vé, chất lượng phương tiện. “Tuy nhiên, dù Transerco đã triển khai nhiều giải pháp, nhất là hợp lý hóa lộ trình, biểu đồ hoạt động, mở rộng vùng phục vụ để giữ ổn định sản lượng vận chuyển, tuy nhiên khách đi xe buýt chỉ đạt khoảng trên 370 triệu lượt, giảm gần 7% so với năm 2014” – ông Nam nói.

Duy trì năm “Chất lượng dịch vụ của Transerco”
Năm 2015, doanh thu của Traserco đạt trên 3.535 tỷ đồng, tăng trên 11%; Lợi nhuận đạt 54,9 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,5 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 8% so với năm 2014.

Năm 2016, Tổng Công ty sẽ duy trì năm “Chất lượng dịch vụ của Transerco” để hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016”. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển SXKD kết hợp các biện pháp tăng cường quản trị, triệt để tiết kiệm chi phí, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động. Phấn đấu doanh thu tăng 6 - 8%, lợi nhuận tăng 5 - 7%. Tiếp tục triển khai các giải pháp về hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ hoạt động xe buýt, tăng cường chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng quản lý kỹ thuật phương tiện, đầu tư thay thế dần các phương tiện cũ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động xe buýt... Nghiên cứu mở rộng vùng phục vụ đến các huyện chưa có xe buýt gồm Thạch Thất, Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức. Khẩn trương triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ thẻ vé điện tử trên mạng lưới xe buýt của Tổng Công ty trong năm 2016. Đề xuất TP cho phép thí điểm triển khai 1 tuyến buýt sử dụng phương tiện chạy CNG thân thiện môi trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã biểu dương những kết quả mà Transerco đã được trong năm 2015. Để xe buýt tiếp tục là phương tiện được nhiều người dân lựa chọn, năm 2016, bên cạnh việc mở rộng vùng phục vụ tới các huyện chưa có xe buýt, Transerco cần phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt để có thể kết nối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. “Nếu xe buýt kết nối hiệu quả với các loại hình VTHKCC khác, người dân sẽ vẫn lựa chọn đi xe buýt, từ đó giảm UTGT cho TP” - Phó Chủ tịch TP Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh. Cùng với đó, Transerco phải có kế hoạch tiếp nhận quản lý, vận hành xe buýt BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa để sẵn sàng đưa vào phục vụ người dân Thủ đô. Để tuyến buýt BRT hoạt động có hiệu quả, ngay tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở GTVT, Công an TP quan tâm, xây dựng phương án vận hành buýt BRT, làm thế nào để người dân từ bỏ xe máy trên trục đường này chuyển sang đi xe buýt nhanh.
Các bến xe đã phục vụ trên 2,5 triệu lượt xe ra vào bến với trên 36 triệu lượt khách. Công ty CP Bến xe Hà Nội đã tiến hành tổ chức, sắp xếp lại quy hoạch giao thông tại Bến xe Mỹ Đình; Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, tiến tới mô hình “Bến xe điện tử”, triển khai hệ thống phần mềm quản lý xe ra vào bến kết hợp với hệ thống camera giám sát hoạt động, an ninh trên bến… đã góp phần mang lại diện mạo mới cho Bến xe Mỹ Đình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần