Xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận: Bứt phá từ hạ tầng khung

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện Gia Lâm trở thành quận, thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Gia Lâm đã chỉ đạo triển khai nhiều quy hoạch giao thông, hạ tầng nhằm tăng tính kết nối. Đến nay, bộ mặt nông thôn Gia Lâm đã có nhiều thay đổi, bước đầu mang dáng dấp của một đô thị hiện đại trong tương lai.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm cắt băng khánh thành công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Cổ Bi. Ảnh: Hoàng Quyết
Những công trình mang dấu ấn
Ngày 22/5, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm đã tổ chức khánh thành, gắn biển công trình Trung tâm Văn hóa - thể thao xã Cổ Bi và thông xe kỹ thuật các tuyến đường hạ tầng khung chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm được UBND huyện phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 13,9 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích 1.788m2, quy mô hiện đại với hội trường 250 chỗ ngồi, có đầy đủ các phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ. 2 tuyến đường được thông xe gồm: Tuyến đường quy hoạch từ đường 179 đến đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dài 1,05km, rộng 30m trên địa bàn xã Kiêu Kỵ với tổng mức đầu tư hơn 90,6 tỷ đồng; dự án hoàn chỉnh mặt cắt đê thuộc tuyến đê tả Đuống, đoạn qua địa bàn xã Phù Đổng với chiều dài 1,4km, điểm đầu giao quốc lộ 1B, điểm cuối giao với đường Phù Đổng - Trung Mầu với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, việc thông xe các tuyến đường trong thời điểm Đảng bộ và Nhân dân Gia Lâm đang ra sức thi đua chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 22 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo sự kết nối giao thông trong khu vực. Đặc biệt, đường đê tả Đuống có vai trò kết nối giao thông vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt – Đền Phù Đổng với Lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, góp phần tôn vinh các giá trị của khu di tích; đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước xây dựng bộ mặt đô thị sáng – xanh – sạch đẹp. 
Diện mạo đô thị mới
5 năm qua (2015 – 2020), để hoàn thiện các tiêu chí thành lập quận, huyện Gia Lâm thường xuyên quan tâm đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án hạ tầng khung. Đây là 1 trong 6 chương trình công tác trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, là 1 trong 2 khâu đột phá, chương trình trọng điểm. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chương trình số 11-CTr/HU ngày 22/1/2016 và 3 đề án về đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng khung huyện Gia Lâm giai đoạn 2015 - 2020. Tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; các dự án được triển khai tích cực, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, toàn huyện Gia Lâm đã thi công hoàn thành 306 dự án với kinh phí trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, 100% đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. 100% tuyến đường từ 2m trở lên được trang bị hệ thống chiếu sáng. Các thiết chế văn hóa, trung tâm văn hóa - thông tin xã, trạm y tế xã được đầu tư đồng bộ; 100% các thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng, có hệ thống truyền thanh không dây; mạng nước sạch phủ kín 100% số hộ dân; 70/74 trường học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 9 trường đạt chuẩn mức độ 2...
Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện 16 dự án tuyến đường hạ tầng khung, đến nay đã hoàn thành 6 tuyến; đồng thời thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 42 tuyến trục chính khớp nối hệ thống giao thông của huyện giai đoạn 2020 - 2025. Nhờ sự đầu tư bài bản và đồng bộ, hệ thống hạ tầng đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành và vượt mức các mục tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 21 đề ra. Bộ mặt nông thôn Gia Lâm có sự thay đổi rõ nét; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm còn tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư, đưa huyện Gia Lâm phát triển theo định hướng đô thị hiện đại. Những kết quả trên không những đáp ứng niềm mong mỏi của Nhân dân mà còn thể hiện hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện tới các xã, thị trấn. Tất cả đã và đang tạo nên một diện mạo mới của Gia Lâm trong thời kỳ hội nhập; là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Gia Lâm trong chặng đường tiếp theo.
Trong đợt chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Gia Lâm còn khánh thành 2 dự án và khởi công xây dựng 1 tuyến đường. Trong đó, khánh thành dự án đường đê tả sông Hồng theo quy hoạch đoạn từ Đông Dư đi Bát Tràng và khánh thành trường mầm non Yên Thường; khởi công xây dựng tuyến đường 13m theo quy hoạch từ đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến đường quy hoạch B=30m, huyện Gia Lâm.