Xây dựng huyện Thạch Thất thành trung tâm có sức hút mạnh phía Tây Thủ đô

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xây dựng huyện Thạch Thất trở thành các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp phát triển đô thị với sản xuất nông nghiệp sạch chất lượng cao theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái.

Đây là mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội huyện Thạch Thất đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Đến năm 2020, huyện Thạch Thất là trung tâm kinh tế phát triển, có sức hút mạnh của vùng phía Tây Thủ đô, với cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ. Khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc được hình thành, khu đô thị đại học được đầu tư cơ bản, hạ tầng khu công nghệ cao được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ có sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư. Các khu công nghiệp phát triển ổn định chuyển hướng sang đầu tư theo chiều sâu. Các vùng nông nghiệp hàng hoá, nông nghiệp công nghệ cao được hình thành và phát triển. Giáo dục đào tạo phát triển toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. An ninh chính trị bảo đảm vững chắc. Đời sống văn hoá tinh thần được nâng cao, thu nhập bình quân đạt trên mức trung bình của ngoại thành Hà Nội.
 
Xây dựng huyện Thạch Thất thành trung tâm có sức hút mạnh phía Tây Thủ đô - Ảnh 1
 
Xây dựng huyện Thạch Thất trở thành trung tâm đô thị vùng phía Tây Hà Nội

 về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tiểu thủ công nghiệp

Đến năm 2030, Thạch Thất thành trung tâm đô thị phát triển của vùng phía Tây Hà Nội với đặc trưng là khoa học công nghệ cao, trung tâm giáo dục đào tạo và dịch vụ đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, có hệ thống hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, hiện đại, có trung tâm đô thị vệ tinh Hoà Lạc hiện đại, có khu công nghiệp công nghệ cao phát triển, có khu đô thị đại học và hệ thống các cơ sở giáo dục phát triển; an ninh quốc phòng vững mạnh, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội.

Vùng phát triển đô thị, được hình thành dựa trên định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô bao gồm đô thị Hoà Lạc, các đô thị trên trục phát triển kinh tế, xã hội Bắc Nam. Thị trấn Liên Quan được phát triển thành điểm đô thị tập trung đóng vai trò hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho vùng nông thôn.

Vùng phát triển nông nghiệp, bao gồm các xã: Đại Đồng, Hương Ngải, Canh Nậu, Lại Thượng, Phú Kim, Cẩm Yên, Cần Kiệm là những vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao. Các xã: Đồng Trúc, Hạ Bằng, Canh Nậu, Phú Kim, Hương Ngải, Dị Nậu hình thành vùng sản xuất rau an toàn. Các xã: Kim Quan, Bình Yên vùng trồng cây ăn quả. Với mục tiêu là cung cấp rau, quả an toàn cho các vùng miền lân cận và Thủ đô...

Vùng phát triển công nghiệp, bao gồm: Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các cụm công nghiệp thuộc các xã công nghiệp làng nghề nằm dọc tỉnh lộ 419 như: Phùng Xá, Bình Phú, Hữu Bằng, Chàng Sơn, Thạch Xá. Tiếp tục hình thành và xây dựng một số cụm công nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế về giao thông, phát triển công nghiệp sẵn có gắn với việc xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường ở các xã: Hữu Bằng, Hương Ngải, Thạch Xá.

Vùng nông, lâm nghiệp, gồm các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Phần lớn diện tích đồi núi vùng này quy hoạch phát triển lâm nghiệp như trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ... Phần diện tích đất bằng phẳng thuận lợi quy hoạch thành vùng phát triển hoa, rau an toàn, trồng cây cảnh và một số sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Đây cũng là vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi của huyện.

 
Được biết, huyện Thạch Thất bao gồm 22 xã và 1 thị trấn, diện tích đất tự nhiên khoảng 18.459ha. Dự kiến quy mô dân số toàn huyện đến năm 2030 khoảng 648.800 - 661.000 người.
 
 
 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần