Xây dựng mô hình chính quyền đô thị: Mục đích cuối cùng là bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (15/5), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) TP Hà Nội đã chủ trì Hội thảo “Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, thị xã và đề xuất các giải pháp đổi mới CQĐT ở các quận, thị xã của TP Hà Nội”.

Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội qua các thời kỳ; đại diện các ban của HĐND TP; các sở, ngành liên quan.
 Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu tại đây, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng Đề án thí điểm mô hình CQĐT của TP, trong đó xác định xây dựng 8 chuyên đề trọng tâm. Chuyên đề 3 về “Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, thị xã và đề xuất các giải pháp đổi mới CQĐT ở các quận, thị xã của TP Hà Nội” có thể nói là xương sống, có ý nghĩa hết sức quan trọng với toàn bộ các nội dung chuyên đề khác của Đề án.

Thường trực HĐND TP đã giao các Ban của HĐND TP phối hợp với đơn vị tư vấn là Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) xây dựng đề cương chuyên đề và tổ chức khảo sát tại một số quận, huyện, sở, ngành TP để hoàn thiện dự thảo Báo cáo chuyên đề 3. Trong đó, đơn vị tư vấn đã tiếp thu chỉ đạo của Thường trực, góp ý của các Ban HĐND TP để đưa ra các giải pháp và xây dựng 3 phương án về mô hình chính quyền các quận, thị xã của TP. Việc xây dựng mô hình CQĐT của Hà Nội được xây dựng trên cơ sở các quy định của Hiến pháp 2013, có thể vượt trên các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước... nhưng không được vi phạm và phải đảm bảo phù hợp thực tiễn Hà Nội.

“Các ý kiến hôm nay sẽ góp phần hoàn thiện thêm cho chuyên đề, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, giải pháp nhằm hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình CQĐT của TP thời gian tới”, đồng chí khẳng định.

Tại hội thảo, đã có 7 ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo HĐND TP và ý kiến tiếp thu của lãnh đạo Sở Nội vụ, nhìn chung đồng tình về sự cấp thiết phải xây dựng mô hình CQĐT tại Hà Nội theo xu thế chung của thế giới, trên cơ sở các quy định của Hiến pháp 2013 và phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay của Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù xây dựng CQĐT hay CQ nông thôn thì đều không nên thoát ly tư tưởng chủ đạo trong xây dựng Nhà nước pháp quyền là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Dù đổi mới thế nào, mục đích cuối cùng cũng là bố trí được bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả; các quy định mới cơ bản phải phù hợp quy định, trên nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Một số ý kiến cũng đề nghị sớm đổi mới HĐND theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng chất lượng ĐB, tăng chế độ cho ĐB, tăng số ĐB chuyên trách...

Các ý kiến cũng nhận xét, Đề án được thực hiện một cách công phu, có xin ý kiến nhiều chuyên gia và tham khảo nhiều tài liệu. Song, cần có nhận định sâu hơn về tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND hiện nay, để khi xây dựng bộ máy CQĐT sẽ có những giải pháp cụ thể. Cũng theo nhiều ý kiến, cần đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền tích cực và quyết liệt, nếu không, bộ máy sẽ ngày càng tụt hậu. Các phương án đưa ra trong chuyên đề này là phù hợp xu thế, đảm bảo tính lãnh đạo của đảng và phát huy quyền dân chủ, nhưng cần nghiên cứu sâu hơn để lường trước mọi khó khăn phức tạp và sự thiếu đồng bộ trong quá trình thực hiện, đặc biệt Hà Nội cần thận trọng, có quá trình 10-15 năm để thực hiện.
 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu ý kiến
Lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Các ý kiến thể hiện rõ tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của cán bộ đi trước, liên quan trực tiếp đến điều kiện thực tế của Hà Nội. TP rất quyết tâm xây dựng CQĐT, theo lộ trình thì trong tuần này, Thường vụ Thành ủy sẽ thông qua lần thứ nhất, sau đó xin ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội và báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 11/2018; đến giữa năm 2020 sẽ tổ chức theo bộ máy này. Thường trực HĐND TP sẽ tiếp thu mọi ý kiến tại hội thảo này và tiếp tục nhiều lần xin ý kiến rộng rãi, đồng thời đang tổ chức khảo sát để đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp, nhất là cấp phường, từ đó có căn cứ, đề xuất phương án cụ thể với Thường vụ Thành ủy.