Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho DN Việt Nam và Trung Quốc

Công Thọ - Phạm Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại - du lịch; công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, y tế, giáo dục...

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn xúc tiến kinh tế Việt Nam-Trung Quốc.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tham luận tại diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ, thực hiện các nội dung đã thống nhất giữa hai Đảng, hai Nhà nước và lãnh đạo cấp cao của hai nước trong quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam và Trung Quốc, thành phố Hà Nội luôn coi trọng, quan tâm đến mọi hoạt động, chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp của Trung Quốc với tinh thần hợp tác toàn diện, lâu dài, hiệu quả, hai bên cùng có lợi.

Tại Hà Nội hiện có 425 dự án FDI của các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 517 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hà Nội với Trung Quốc cả năm 2017 và 11 tháng đầu năm 2018 đạt 16,5 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Trung Quốc đạt 3 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ Trung Quốc đạt 13,5 tỷ USD (chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội).

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký đặt 110 văn phòng đại diện tại thành phố Hà Nội. Các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế đã tích cực tham gia các sự kiện Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại của thành phố Hà Nội năm 2016, 2017, 2018.

Khách du lịch Trung Quốc là thị trường khách đứng vị trí thứ 1 trong số các thị trường khách trọng điểm đến Hà Nội và liên tục tăng trong các năm vừa qua. 11 tháng đầu năm 2018, khách du lịch Trung Quốc đến Hà Nội đạt 729.338 lượt (tăng 24% so với cùng kỳ), gấp 5,4 lần so với năm 2011 (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18,8% trên tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và chiếm 16% trên tổng lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam).

Theo Chủ tịch, nằm trong quy hoạch “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia các Hội nghị hợp tác kinh tế được tổ chức tại các địa phương của hai nước và đã ký kết các biên bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của hai bên; kim ngạch xuất nhập khẩu còn chưa cân đối; tỷ trọng khách du lịch còn chưa tương xứng với điều kiện thuận lợi về khoảng cách, giao thông và quan hệ hợp tác về du lịch hai nước.

Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung rà soát các mặt hàng, sản phẩm chủ lực đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu lớn, đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ với hải quan của Việt Nam - Trung Quốc để hỗ trợ tối đa thủ tục thông quan, giúp doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh giao thương hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh, thành phố về thủ tục hành chính xuất nhập cảnh; đầu tư nâng cấp điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá xúc tiến điểm đến tới khách du lịch thông qua việc mời các đoàn Famtrip, hội chợ du lịch.

Chủ tịch bày tỏ: “Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp của Trung Quốc nghiên cứu đầu tư các lĩnh vực mà các bạn đang có thế mạnh như: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistics, tài chính - ngân hàng, du lịch, khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước,… Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài, ổn định, cùng có lợi”.
 Các đại biểu dự Diễn đàn
Để triển khai có hiệu quả sáng kiến của Trung Quốc: “Một vành đai, một con đường” và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất cùng có lợi, đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Trung Quốc, trong khuôn khổ Diễn đàn này, thành phố Hà Nội đề xuất: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa Hà Nội, các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, mỗi tỉnh, thành phố tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa về công nghệ, sáng tạo. Không ngừng mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại thông qua những biên bản ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường mở rộng các quan hệ thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu.

TP Hà Nội cũng đề xuất đẩy mạnh mở rộng hợp tác tới cấp cơ sở. Chính quyền mỗi tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện cho các sở, ngành, quận, huyện của mỗi địa phương thường xuyên gặp gỡ trao đổi công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Cùng cam kết tham gia tích cực các chương trình xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại, hợp tác phát triển du lịch do mỗi địa phương tổ chức và coi đây là trách nhiệm cũng như là nhu cầu của mình. Mỗi tỉnh, thành phố cần có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp cùng tham gia. Hợp tác chặt chẽ trong việc phòng, chống các hoạt động tội phạm qua biên giới; phòng chống dịch bệnh; kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; buôn bán hàng giả…

Tổ chức Hội nghị cấp cao giữa các tỉnh, thành phố luân phiên tại các địa phương để thảo luận và quyết định các nội dung hợp tác trong những năm tiếp theo. Đẩy mạnh hoạt động của các nhóm công tác chuyên trách mỗi địa phương, tích cực trao đổi, cung cấp thông tin và đôn đốc thực hiện các nội dung hợp tác.

Các địa phương cùng đề nghị Chính phủ hai nước quan tâm sớm triển khai và đưa vào vận hành các tuyến vận tải liên quan đến toàn tuyến của hành lang kinh tế, đặc biệt là tuyến đường sắt nhằm nâng cao năng lực vận tải trao đổi hàng hoá; đẩy mạnh hợp tác vận tải hành khách đường bộ quốc tế; đẩy nhanh việc xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.

“Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống quan hệ hữu nghị hợp tác được xây dựng từ lâu đời được các bậc tiền bối hai nước dày công vun đắp; với vị trí núi sông liền một dải, đặc biệt, nhiều nét tương đồng về văn hóa, chính trị; đồng thời, với những tiềm năng, thế mạnh và những điều kiện thuận lợi; với tinh thần hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi, cùng hướng về tương lai vì sự thịnh vượng, ổn định chung của nhân dân hai nước; chúng ta sẽ thực hiện tốt các cam kết mà lãnh đạo cấp cao hai nhà nước đã thống nhất”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần