Xây dựng nền kinh tế tự chủ, cạnh tranh

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu kết luận tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là năm quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021.

“Nước ngoài nắm hết, chúng ta coi chừng”
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể năm 2018 đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực như nông nghiệp phấn đấu đạt tăng trưởng 3%, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Tăng kim ngạch xuất khẩu 10%. Thu hút vốn FDI có chọn lọc chứ không ồ ạt, không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tổng kim ngạch năm 2017 đạt 425 tỷ USD, riêng xuất khẩu là 213,77 tỷ USD tăng 21,1% và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Đã có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 3 thị trường so với năm 2016. Trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch có xu hướng lan nhanh Việt Nam, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết quả này đã tạo niềm tin, thúc đẩy cộng đồng DN vượt qua khó khăn và hỗ trợ tăng trưởng đạt 6,81% năm nay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 2018 là thời hạn nước ta hoàn tất cam kết quốc tế như ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN hoàn tất sau 8 năm, đến nay phải chấp nhận thuế về 0 cho 669 dòng hàng hóa vào. Các cam kết WTO sau 12 năm chuyển đổi từ 2017, năm 2018 cắt giảm thuế sâu với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cùng với đó là các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hiệp định CP TPP... Đó là các Hiệp định sẽ tạo ra thách thức với khả năng cạnh tranh của các DN. Thời gian qua nước ta đã tranh thủ được nhưng giai đoạn tới chịu thách thức rất nhiều.
 May hàng xuất khẩu tại Công ty may 10.   Ảnh: Hải Linh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, cần có biện pháp xây dựng một nền kinh tế tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh mới. Do đó, phải kết hợp giữa DN FDI với DN trong nước, phát triển DN trong nước, chuyển đổi hộ cá thể sang hoạt động theo mô hình DN. “Cùng với đó là mở nhiều thị trường mới để giữ đà xuất siêu, có biện pháp kỹ thuật phù hợp để hạn chế nhập khẩu, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch và hoạt động tạm nhập, tái xuất. Bộ Công Thương tổ chức tốt thị trường trong nước, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam” - Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã có chủ trương về cạnh tranh nông sản Việt Nam, khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. Theo đó, Thủ tướng đề nghị phải tạo chuyển biến mạnh về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho phát triển hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, vấn đề phát triển nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như tôm, gạo chất lượng cao, rau củ quả, dược liệu là vấn đề đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam. “Trong thời đại mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo công nghệ là chìa khóa thành công. Ngay nuôi bò, tôm cá tra cũng phải áp dụng ứng dụng mới. Nông nghiệp Việt Nam là một thế mạnh cùng thế mạnh khác như công nghiệp chế biến chế tạo sẽ được đề cập mạnh mẽ hơn trong năm nay. Nông nghiệp, du lịch dịch vụ, công nghệ thông tin là thế mạnh của Việt Nam phải được chỉ đạo thời gian đến mạnh mẽ hơn” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu hút đầu tư tư nhân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ, trong điều kiện giảm thuế nhập khẩu, sản lượng khai thác dầu thô, để đảm bảo chi trả nợ, tăng tỷ trọng cho đầu tư phát triển, dự toán chi thường xuyên phải bố trí chi chặt chẽ; phát hiện và ngăn chặn hành vi trốn lậu thuế, chuyển giá; cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước...

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nguồn vốn vay ODA nếu tính từ 1993 đến nay đã huy động được 83,6 tỷ USD, còn 21,6 tỷ USD chưa giải ngân sẽ tập trung giải ngân vào giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 17 tỷ USD. Trong năm 2017 mới giải ngân 56,2% kế hoạch. Nếu chậm giải ngân sẽ tăng chi phí. “Vừa qua chúng ta tập trung ODA cho cơ sở hạ tầng, chương trình mục tiêu, an sinh xã hội…Từ tháng 7/2017 trở đi Việt Nam ra khỏi diện vay vốn ưu đãi, chúng ta sẽ chỉ tiếp cận được nguồn vốn kém ưu đãi hơn sắp tới các tỉnh, thành hết sức cân nhắc kỹ trong việc đề nghị nguồn vốn này so với nguồn vốn xã hội hóa” - Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh nguồn lực đầu tư Nhà nước rất hạn chế, nên cần có cơ chế huy động nguồn lực xã hội, Thủ tướng cho biết, đầu tư công và đầu tư tư nhân, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế khó khăn, cơ chế nào huy động được. Cứ dựa mãi vào vốn đầu tư trung hạn 2 triệu tỷ đồng trong 5 năm vừa qua thì so với nhu cầu của xã hội là hết sức khó khăn. “Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đi xuống địa phương lại xin các công trình này công trình kia, có tiền đâu nữa. Còn ít dự phòng mà dự phòng để đề phòng hụt thu và thiên tai. Không huy động xã hội hóa thì rất khó khăn trong phát triển” – Thủ tướng cho biết. Cần phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 34% GDP trong năm 2018. Đây là yêu cầu lớn các địa phương, các ngành phải tập trung, kể cả lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, trong đó có việc hoàn thiện các cơ chế cần thiết.

Đừng để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả"

Trước lãnh đạo của 63 tỉnh, thành trên cả nước theo dõi qua cầu truyền hình trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phấn đấu tăng trưởng năm 2018 đạt mức cận trên trong chỉ tiêu Quốc hội đặt ra (6,7%). Các chỉ tiêu phải được lượng hóa, đo đếm được, kiểm tra được. Đi liền với số lượng thì chất lượng tăng trưởng phải được nâng lên, đặc biệt năng suất lao động xã hội phải cao hơn, các chỉ số môi trường phải được cải thiện rõ rệt hơn. Thủ tướng cho rằng "một đất nước thu nhập bình quân đầu người 2.335 USD thì có gì quá phấn khởi" và nhấn mạnh khâu tổ chức thực hiện là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai, nên “từ lời nói để hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa”.

Thủ tướng bày tỏ, nếu cấp này không thay đổi tư duy, không năng động, để tình trạng "trên nóng dưới lạnh" thì rất khó cho đất nước. Thủ tướng yêu cầu ngay đầu tháng tới Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký nghị quyết 01, với 242 nhóm giải pháp, công việc để các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay từ đầu năm, không để tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả".
Đối thoại với dân để giải quyết khúc mắc

Thủ tướng cũng lưu ý việc giải quyết những tồn tại, bức xúc, khúc mắc của người dân: "Chính phủ phục vụ Nhân dân mà cứ để dân khúc mắc thì sao được". Tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. “Mình phải lắng nghe, phải tháo gỡ, chứ cứ nói mình đúng rồi, mình bảo thủ, làm sao thành công được”. Thủ tướng mong MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia nhiều hơn tuyên truyền, vận động, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chăm lo Tết cho dân

Thủ tướng nhấn mạnh, dịp Tết này, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, không để thiếu hàng sốt giá; tập trung chăm lo Tết cho người dân, nhất là lo cho vùng thiên tai, không để người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đứt bữa.