Xây dựng nền nông nghiệp Hà Nội đầu tàu, có sức lan tỏa

Thiên Tú-Ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị như vậy tại hội nghị công tác phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 16/2.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2011 – 2015, giá trị bình quân tăng thêm của ngành nông nghiệp TP đạt 2,4%. Đến hết năm 2015, TP đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (76.891ha), qua đó hình thành nhiều vùng rau an toàn, cây ăn quả, lúa chất lượng cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung quy mô lớn. Một số vùng, khu trang trại đã được đầu tư ứng dụng công nghệ cao, năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất được nâng cao, đời sống nông dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 14 triệu đồng/người/năm 2011 tăng lên 36 triệu đồng/người/năm 2016.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung hải phát biểu tại hội nghị Bộ NN&PTNT làm việc với TP Hà Nội ngày 16/2/2017.
Triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay Hà Nội đã xây dựng được 22 vùng rau an toàn với diện tích hơn 5.000ha, 25 vùng lúa hàng hóa với diện tích hơn 2.700ha, 14 vùng trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao với diện tích hơn 15.500 ha, 10 vùng sản xuất hoa cây cảnh với diện tích 2.700ha. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%. Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế, năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa xứng tầm nông nghiệp của Thủ đô và cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, 3 nội dung nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội có vai trò quan trọng, không chỉ với Hà Nội mà còn cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Hà Nội là TP đặc thù, cùng một lúc làm hai nhiệm vụ lớn, vừa là đô thị đặc biệt Thủ đô, vừa có ngành nông nghiệp nông thôn lớn với 70% đơn vị hành chính cấp xã ở nông thôn. Một năm sản lượng lương thực của TP đạt hơn 1 triệu tấn, chăn nuôi 1,6 triệu con lợn, gia cầm chiếm 10% đàn gia cầm của cả nước.

Đánh giá cao kết quả đạt được của Hà Nội đạt được trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị TP xác định xây dựng nền nông nghiệp Hà Nội là nông nghiệp dẫn dắt, nông nghiệp đầu tàu, nông nghiệp lan tỏa, không chỉ ở vùng Thủ đô mà còn là trung tâm Đồng bằng sông Hồng và mang tầm quốc tế. Trong đó nền nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, là cơ sở để thúc đẩy hai ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Đối với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội cần cố gắng tận dụng vị trí địa lý, địa kinh tế, địa sinh học và thị trường.
 Quang cảnh Hội nghị Bộ NN&PTNT làm việc với TP Hà Nội sáng 16/2/2017.
Hiến kế cho tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường gợi ý, trong chăn nuôi, thủy sản cần đẩy mạnh hơn về cơ cấu giá trị và xác định mục tiêu, cố gắng nhằm vào phân khúc cao nhất. Trong trồng trọt, khai thác cho được 3 tiểu vùng đồi gò, đồng bằng và vùng trũng. Ví dụ, vùng đồi gò tập trung vào cây ăn quả, nhất là có múi vì Hà Nội có nhiều loại gen quý như bưởi Phúc Thọ, bưởi đường Quế Dương (Hoài Đức)… Đối với vùng trũng phát triển thủy sản, trồng sen gắn với du lịch sinh thái… Đặc biệt, sản xuất phải gắn với chế biến, lưu thông, thương mại, liên kết với vùng Thủ đô và cả nước.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, năm 2016 tăng trưởng nông nghiệp của TP đạt 2,21%, cao hơn bình quân cả nước, tuy vậy mục tiêu đặt ra của TP là 3,5 – 4%. Hơn nữa, hiện nay sản phẩm nông lâm sản thực phẩm sản xuất ra tại chỗ mới đáp ứng 69% nhu cầu thị trường Hà Nội nên dư địa phát triển còn rất lớn. Đặc biệt, mặc dù thu nhập bình quân nông nghiệp hiện là 239 triệu đồng/ha nhưng người dân vẫn chưa giàu. Toàn TP có 3,7 triệu dân sống ở nông thôn, trong đó chỉ có 27% làm nông nghiệp và thu nhập từ nông nghiệp.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, việc tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ vẫn còn là nhiệm vụ, mục tiêu lớn của TP. Dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động nông nghiệp cần chuyển dịch. Trong đó mảng thị trường dịch vụ nông nghiệp còn rất mở, điều này giúp nhà nông nâng cao giá trị gia tăng, năng suất. Điều đáng nói nữa là giá trị nông nghiệp công nghệ cao mới chiếm thấp, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đạt được rất thấp. “Nông nghiệp Hà Nội nếu không tính đến xuất khẩu là thất bại vì cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nông sản các nước ngay trên địa bàn TP. Ví dụ như rau muống Thái Lan cạnh tranh với rau muống Thanh Trì, Phúc Thọ. Nếu không nâng chất lượng sản phẩm thì chúng ta có nguy cơ thua ngay trên sân nhà” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Khẳng định phát huy lợi thế của Thủ đô là có nhiều nhà khoa học, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, TP phấn đấu nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 35 – 40%.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ hơn với TP trong lĩnh vực thủy lợi, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường nước của 4 dòng sông Tích, Nhuệ, Đáy, Hồng. Bên cạnh đó, hiện nay, Hà Nội đang đầu tư trạm bơm Yên Mỹ, Đông Mỹ, Liên Mạc, phục hồi sông Tô Lịch, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch và bổ sung dòng chảy cho Hồ Tây. Do đó, TP mong Bộ NN&PTNT ủng hộ và làm đầu mối tổng thể dự án cải tạo các dòng sông lớn.