Vì sao việc xây dựng và phát triển đô thị tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn?

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của các chuyên gia, lãng phí tài nguyên, biến tướng quy hoạch, buông lỏng quản lý, năng lực yếu kém… là những yếu tố khiến cho việc xây dựng và phát triển đô thị tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Lãng phí đất đai
Theo TS Trương Văn Quảng - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, năm 1998, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2013 khoảng 32%, đến năm 2015 đã đạt 35,7%. Quy hoạch xây dựng đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đô thị Việt Nam còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, số lượng đô thị tăng nhanh nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, quy hoạch bị biến tướng.

Gần đây, trong quá trình phát triển đô thị, nhiều địa phương đã lấy phương thức phát triển các dự án khu đô thị mới làm chiến lược trọng tâm. Tuy nhiên, về bản chất, các dự án này đang thiên về mô hình kinh doanh bất động sản hơn là một tầm nhìn cho phát triển bền vững đô thị. Vậy nên, nhiều địa phương còn rất hào phóng cứ đâu có đất trống, ít phải giải phóng mặt bằng là ban phát các dự án cho các chủ đầu tư mà không cần quan tâm đến quy hoạch chung hay lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng... “Chính vì thế, đã hình thành nhiều dự án ảo, chiếm dụng đất để kinh doanh là chính, còn các dự án được triển khai thì thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội và hạ tầng kỹ thuật, thiếu sự gắn kết với tổng thể đô thị” - ông Quảng cho hay.

Một khu đô thị đang được xây dựng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng

Ngoài ra, còn có sự biến tướng của các dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích sàn xây dựng hoặc chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở... so với quy hoạch ban đầu.

TS Phạm Minh Dương – Viện Phát triển Đô thị xanh chỉ ra, ngành xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, tài nguyên và phát sinh ô nhiễm môi trường. Thế nhưng các công trình xanh tại Việt Nam mới chỉ đi những bước đầu tiên, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Một số không gian xanh, vườn cây, công viên… bị biến tướng hay thu hẹp diện tích so với quy hoạch.

Thiếu công cụ quản lý hữu hiệu

Nguyên nhân của thực trạng trên là do không có công cụ để quản lý kiểm soát sau khi đã có quy hoạch được duyệt, mặc nhiên một cách chủ quan trong công tác quản lý đã tạo nên nhiều kẽ hở gây biến động, lãng phí đất đai, mất đi nhiều cơ hội để có những không gian đô thị đẹp, có chất lượng. Bên cạnh đó, GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng - Phó Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng chỉ ra rằng, hiện nay, bên cạnh nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài, nhiều trường đại học trong nước đã và đang đào tạo các cán bộ, chuyên gia chuyên ngành quản lý đô thị. Tuy nhiên, việc đào tạo chưa đủ cung cấp số cán bộ chuyên môn cho các đô thị, các địa phương, kể cả số lượng và chất lượng.

“Tại sao những vi phạm về chiếm dụng đất đai, xây dựng trái phép, cơi nới... diễn ra hàng ngày, hàng giờ ngay trên địa bàn phường, xã thuộc địa bàn mình quản lý lại khó kiểm soát, khó phát hiện, khó ngăn chặn đến vậy? Theo số liệu của JICA, Hà Nội hiện chỉ còn 19 hồ, chúng ta đã mất đi 21 hồ trên tổng số 40 hồ, tương đương với 850ha bị thu hẹp xuống còn 547ha. Rồi vụ tòa nhà 8b Lê Trực, khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Tất cả, phải chăng chúng ta đang thiếu một công cụ quản lý hữu hiệu, một đội ngũ quản lý phát triển đô thị, có tâm, có tầm?” – ông Quảng đặt câu hỏi.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, dân số đô thị Việt Nam ước tính sẽ tăng từ 22% lên đến 38% vào 2025. Mỗi năm sẽ có thêm chừng 1,3 triệu dân đô thị và sẽ đạt đến con số 52 triệu vào năm 2025. Sự gia tăng dân số đô thị kèm với gia tăng sử dụng đất, việc làm, tiện ích và tổng diện tích xây dựng đô thị, kéo theo các tài nguyên và nguồn lực khác ồ ạt chảy vào theo đô thị hóa. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thực sự trở thành vùng đô thị đóng góp tới 77% GDP cả nước, thu hút các dòng vốn đầu tư trong ngoài nước, là động lực dịch chuyển nền kinh tế sang kinh tế đô thị. Tương lai, đây là hai TP nằm trong 12 vùng đô thị đông dân top đầu của thế giới thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với dòng di cư từ nông thôn ra đô thị.

Do vậy, cơ hội duy nhất cho Việt Nam là bắt buộc phải phát triển một hệ thống các TP và đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị, mà đào tạo nguồn nhân lực đô thị phải theo cách tiếp cận đa ngành và hệ thống.

Để có được đô thị phát triển mạnh mẽ và bền vững, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng bậc nhất, đặc biệt về quản lý đô thị. Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những giải pháp về cơ chế, chính sách chủ yếu phát triển đô thị của đất nước.

GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng

Phó Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội