Xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống: Ba tỉnh, thành phố cùng hưởng lợi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo dự báo, đến năm 2020 dân số Thủ đô khoảng 7,3 triệu người, năm 2030 - 9 triệu người và đến năm 2050 - 10,7 triệu người. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, đến năm 2020, nguồn cấp nước phải đạt 1,6 triệu m3/ngày, đêm (gần gấp 3 hiện nay), năm 2030 - 2,4 triệu m3/ngày, đêm và năm 2050 - 3,2 triệu m3/ngày, đêm.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, phải tính xây dựng các nhà máy nước để bảo đảm nguồn nước sạch trong tương lai.
 
Khai thác thêm lợi thế nguồn nước mặt

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, hiện các cơ sở khai thác nước ngầm mới vẫn tiếp tục được đầu tư xây dựng bổ sung cho nguồn nước sạch thành phố, nhằm đạt tới con số 1 triệu mét khối/ngày, đêm. Tuy nhiên, để chủ động về nguồn nước, đặc biệt khi nguồn nước ngầm đang suy giảm mạnh, trong quy hoạch cấp nước Hà Nội vừa được HĐND TP thông qua đã định hướng, song song với việc sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm hiện tại sẽ khai thác nguồn nước mặt từ sông Hồng, sông Đà, sông Đuống.

Từ tháng 3/2009, Hà Nội có thêm nguồn nước mặt sông Đà, công suất của nhà máy này sẽ tăng lên 1,2 triệu mét khối ngày, đêm vào năm 2050. Tuy nhiên, thành phố cũng đang lập dự án khai thác thêm lợi thế nguồn nước mặt của sông Hồng và sông Đuống. Năm nay, sẽ tập trung vào dự án cấp nước sông Đuống.

Theo Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội Nguyễn Như Hải, hiện Tổng Công ty đang cùng đơn vị tư vấn lập dự án xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống, mức đầu tư dự kiến 5.562 tỷ đồng, công suất 600.000 m3/ngày, đêm. Dự kiến, khi triển khai xây dựng nhà máy chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng nhà máy với công suất 150.000m3/ngày, đêm, giai đoạn 2, tăng công suất nhà máy thêm 150.000m3/ngày, đêm. Phạm vi cấp nước của nhà máy giai đoạn 1 gồm khu vực Hà Nội, giai đoạn 2 và 3 gồm khu vực Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Ông Hải cho biết, để có nguồn vốn đầu tư, UBND TP đang nghiên cứu đầu tư dự án dưới hình thức PSIF (tài chính thúc đẩy khu vực đầu tư tư nhân), hình thức đầu tư mới khác với ODA và PPP.

 
Hà Nội sẽ đứng ra vay vốn

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có buổi làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản JICA để tìm nguồn vốn hỗ trợ cho dự án. Theo đó, phía Nhật Bản sẽ tham gia đầu tư dự án dưới hình thức PSIF và cho Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (VDB) vay với lãi suất 2% bằng tiền Yên và VDB cho TP Hà Nội vay lại với lãi suất 11,45%, thời gian ân hạn 25 năm. Tỷ lệ góp vốn 80/20, trong đó Nhật bản 80%, giá bán nước sạch của nhà máy dự kiến 6.000 đồng/m3. JICA cũng đề xuất TP có sự cam kết hỗ trợ trong việc tiêu thụ nước. Dự án được hưởng các điều kiện ưu tiên, ưu đãi như những dự án BOT khác của Việt Nam.

Tuy nhiên, với quy định hiện hành, việc cho vay của JICA qua VDB, tỷ lệ 80/20, sẽ gần như một dự án ODA, nên sẽ không phải chịu thêm lãi suất. Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, Hà Nội sẽ đứng ra thực hiện vay vốn chứ không cần phải thông qua ngân hàng để chịu lãi suất cao. Nếu theo hình thức BOT, thành phố đồng ý chủ trương và sẽ tạo điều kiện để các bên cùng tham gia đầu tư. Nếu áp dụng hình thức cho vay qua một ngân hàng như JICA đề xuất sẽ khó khả thi. Phó Chủ tịch TP khẳng định: Dù là hình thức đầu tư nào, vẫn phải quan tâm đến hiệu quả của dự án, tránh qua nhiều khâu trung gian làm tăng lãi suất đồng nghĩa với việc tăng giá bán nước sau này.