Xây dựng nhà ở 5 triệu đồng/m2 cho công nhân: Không để chủ trương “đứt gánh giữa đường”

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít người tỏ ra lo ngại, mặc dù chủ trương đúng, quyết tâm cao nhưng nếu quy hoạch không phù hợp, dù nhà giá rẻ vẫn chưa chắc đã thu hút được người lao động.

Trong bối cảnh phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) trên địa bàn Hà Nội không có nhà ở phải đi thuê, thì quyết tâm xây dựng nhà giá rẻ với 5 triệu đồng/m2 của TP, với sự đồng hành của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đang thực sự dấy lên niềm lạc quan về một ngày “an cư lạc nghiệp” đang đến gần của công nhân lao động.
Tuy nhiên, với tồn tại của dự án nhà cho sinh viên ở Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) hay nhà cho công nhân thuê tại Kim Chung (Đông Anh), Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ),... không ít người tỏ ra lo ngại, mặc dù chủ trương đúng, quyết tâm cao nhưng nếu quy hoạch không phù hợp, dù rẻ vẫn chưa chắc đã thu hút được công nhân lao động mua nhà dự án.
 Nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng.
Bài học nhãn tiền

Theo Trưởng ban Chính sách LĐLĐ TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng, chủ trương xây nhà 5 triệu đồng/m2, với diện tích từ 30 - 50m2 một căn hộ, công nhân chỉ cần từ 150 triệu đồng đã có được căn hộ của riêng mình. “Trong tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn TP đắt đỏ như hiện nay, thì đây thực sự là tin tốt lành cho đội ngũ công nhân lao động, nhất là những người đang làm việc tại các KCN - KCX. Song, đối với Hà Nội, để chủ trương này được hiện thực hóa không dễ vì vấn đề đất sạch, vấn đề GPMB vốn không đơn giản. Nếu quy hoạch địa điểm dự án không phù hợp, tiện ích hạ tầng sống không được đáp ứng thì rẻ công nhân cũng không mặn mà” – ông Dưỡng nói.

Lý giải về nhận định của mình, ông Tạ Văn Dưỡng cho rằng, bài học nhãn tiền rõ nhất là nhà cho công nhân thuê. Hiện còn tồn dư khoảng vài nghìn căn hộ không có người ở tại một số khu công nghiệp trên địa bàn TP. Nguyên nhân là do thiết kế căn hộ không phù hợp với nhu cầu đời sống của công nhân. Ví như một phòng có hàng chục người lại chỉ có một nhà vệ sinh. Riêng câu chuyện vệ sinh cá nhân cũng đã thấy bất hợp lý khi phải xếp hàng hàng chục phút để đợi và có người bị muộn giờ làm cũng vì thế, chưa nói đến việc công nhân là người đã đi làm, tự chủ về cuộc sống, ở một phòng quá đông sẽ ảnh hưởng đến không gian sống và tâm lý của họ. Đã vậy, những nội quy ở khu cho công nhân thuê lại khá chặt chẽ, nhất là về giờ giấc sinh hoạt, trong khi công nhân làm ca kíp, khiến họ thấy không thoải mái, ức chế về tâm lý… Thế nên nhà cho thuê giá ưu đãi, thậm chí có DN còn thuê cả tòa cho công nhân ở miễn phí họ cũng không vào.

Về chủ trương xây nhà 5 triệu đồng/m2 của TP Hà Nội với sự đồng hành của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Tạ Văn Dưỡng cho rằng là khả thi, nếu có sự chung tay vào cuộc của tất cả các ban ngành, DN. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được phải nghiên cứu rất kỹ để tránh thất thoát cho Nhà nước, đáp ứng được nhu cầu sống của công nhân. LĐLĐ TP Hà Nội cũng đã và đang tham gia đóng góp ý kiến với Tổng LĐLĐ Việt Nam về dự thảo liên quan thiết chế công đoàn, trong đó có quy định đối tượng được mua nhà ở công nhân.
Nhà ở dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng.
Hiện thực hóa không đơn giản

Mới đây đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN - KCX” của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt. Thiết chế này gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị công đoàn… cũng như tư vấn pháp luật, hoạt động chăm sóc y tế và các hoạt động khác theo nhu cầu công nhân lao động. Theo đó, mục tiêu tới 2020 sẽ xây dựng 50 thiết chế tại 50 KCN - KCX trên cả nước; năm 2030 phủ sóng thiết chế trên tất cả các KCN - KCX.

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, cơ quan này đã tính toán toàn bộ phần hạ tầng, siêu thị, nhà ở, nơi sinh hoạt văn hoá thể thao… đầu tư bằng kinh phí công đoàn; hạ tầng công viên cây xanh tiền từ tổ chức công đoàn. Còn xây dựng sẽ có 2 dạng: Nhà để bán, gồm 2 loại trả tiền ngay hoặc trả góp trong 10 năm.
Tổng Thư ký Hội Môi  giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính:Rất khó thu hút người lao động mua, nếu chỉ xây để giải quyết chỗ ở

Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, đầu tiên cần liên kết hay gần với hệ thống giao thông công cộng, gần khu làm việc để đi lại cho thuận tiện. Bởi nếu như công nhân tập trung làm việc ở quận Hà Đông, Thanh Xuân nhưng lại xây nhà ở Sóc Sơn, Ba Vì, hay Gia Lâm thì sẽ rất khó trong việc di chuyển… Thứ đến là hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cũng phải được thực hiện đồng bộ, chứ không chỉ xây mỗi cái nhà để giải quyết chỗ ở thì rất khó thu hút công nhân tham gia mua. Khi đó, mục đích giúp người lao động “an cư lạc nghiệp” không những không đạt được mà còn gây lãng phí cho Nhà nước và DN. Ngoài ra, việc chia nhỏ căn hộ, sẽ dẫn tới cùng một sàn bố trí quá nhiều căn hộ cũng có thể khiến nhà nhanh xuống cấp. Việc quản lý, duy tu sửa chữa cũng cần được tính toán để hợp lý mà vẫn không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, vì hiện tại có khu nhà cho công nhân thuê cũng đã xuống cấp rất trầm trọng.
“Chúng tôi tính toán mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8 - 2 triệu đồng, thì 5 - 7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30m2. Đây là chương trình, dự án không có lợi nhuận, nên đã tính toán xin cơ chế: Nhà nước và địa phương cấp đất không thu tiền, địa phương hỗ trợ hạ tầng giao thông, điện nước đến chân công trình. Còn trong công trình đó thì lấy hoàn thiện từ tiết kiệm của hệ thống, và phần tiết giảm chi phí chúng tôi đã làm việc với Vicem, Viglacera… để giảm giá tối đa” – ông Cường chia sẻ.
Trái ngược với tinh thần lạc quan của lãnh đạo Tổng LĐLĐ, một số chuyên gia bất động sản cho rằng, việc xây nhà giá từ 100 - 150 triệu đồng/căn bán cho công nhân đối với những địa phương quỹ đất sạch còn nhiều, ví như Bình Dương, Hà Nam, Thanh Hóa,… thì có thể khả thi, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi mà vấn đề GPMB luôn phức tạp, quỹ đất sạch phù hợp còn ít, không dễ để hiện thực hóa chủ trương này trong nay mai. Trong khi đó, nguồn quỹ công đoàn hạn hẹp và không hẳn chủ động được hoàn toàn, vì còn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, của DN, đơn vị.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, mặc dù nhu cầu nhà ở ổn định cuộc sống của công nhân lao động KCN - KCX là rất lớn, thế nhưng, việc họ có tham gia mua dự án ưu đãi của Nhà nước không lại là chuyện khác, vì còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của cá nhân mỗi gia đình, vào tính tiện ích của dự án, vào chính sách ưu đãi của Nhà nước trong việc vay mua nhà,… Vì vậy, quy trình thực hiện dự án này cũng không đơn giản. Đầu tiên là vấn đề quy hoạch dự án với địa điểm nào cho phù hợp; sau đó khảo sát nhu cầu của công nhân lao động. Trên cơ sở có quy hoạch, có cầu, TP mới kêu gọi nhà đầu tư tham gia. DN tham gia cũng phải làm bài toán kinh tế. Họ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố cấu thành và có những đề xuất, kiến nghị với TP về sự phối hợp để dự án có thể thực hiện được.

“Chúng tôi cũng đã lĩnh hội ý kiến chỉ đạo về việc Hà Nội sẽ đồng hành cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng những khu nhà ở bán cho công nhân trên địa bàn Thủ đô của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị đối thoại công nhân lao động các KCN - KCX năm 2017 tổ chức mới đây. Hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu phương án để góp phần hiện thực hóa chủ trương làm sao có được nơi ở thích hợp cho công nhân lao động trên địa bàn TP. Tuy nhiên, cũng chưa thể nói xong là làm ngay được, vì phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan” – ông Dũng cho biết.

Thiết chế Công đoàn sẽ đáp ứng 2 đến 10% nhu cầu tối thiểu cho người lao động

Thiết chế công đoàn nhằm phục vụ công nhân, là sự chăm lo tổ chức công đoàn với người lao động, cũng là nơi tổ chức công đoàn thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn, khi phê chuẩn công ước lao động và công đoàn của ILO (Tổ chức lao động Quốc tế), thực hiện các FTA mới. Mặt khác, thiết chế cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, thu hút đầu tư, giúp công nhân không nhảy việc, giảm ùn tắc giao thông khi lượng lớn công nhân tan ca, vào làm. Đặc biệt, nếu được thiết lập, thiết chế sẽ đáp ứng 2 - 10% những nhu cầu tối thiểu về nhà ở, nhà trẻ, mua sắm các vận dụng thiết yếu, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, các hoạt động văn hóa thể thao… là những vấn đề mà công nhân rất bức xúc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần