Xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Đan Phượng: Chưa thể bằng lòng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015, huyện Đan Phượng tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2016 – 2020.

Với những kết quả đã đạt được hơn 2 năm qua, địa phương tiếp tục cho thấy vị thế của một trong những lá cờ đầu trong xây dựng NTM của Hà Nội.
Bước tiến vững chắc
Với những nỗ lực trong suốt giai đoạn 2016 – 2018, tháng 5/2019, chính quyền và Nhân dân 3 xã Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung, huyện Đan Phượng vui mừng đón bằng công nhận “Xã đạt chuẩn NTM nâng cao”. Đây cũng là 3 địa phương đầu tiên của TP vinh dự đón nhận danh hiệu này.
 Một tuyến đường rộng đẹp tại xã Song Phượng. Ảnh: Lâm Nguyễn
Tiếp tục mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, huyện Đan Phượng đặt mục tiêu trong năm 2019 sẽ có thêm 7 xã về đích gồm: Đồng Tháp, Phương Đình, Thọ An, Trung Châu, Liên Hà, Tân Hội và Tân Lập. Toàn huyện đã phát động chương trình xây dựng NTM nâng cao với các nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở “3 tập trung” về tuyên truyền, huy động nguồn lực; “4 trụ cột” về phát triển sản xuất nông nghiệp và “5 điểm nhấn” về văn hóa, y tế, môi trường.
Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện đã huy động được trên 406 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, hạ tầng cơ sở. Trong đó, kinh phí đóng góp của các tổ chức, DN và Nhân dân là trên 18,3 tỷ đồng. Kết quả rà soát đến nay, 15/15 xã trên địa bàn huyện Đan Phượng đều đã đạt và cơ bản đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Trong đó, hai xã Phương Đình và Liên Hà (thuộc kế hoạch về đích NTM nâng cao năm 2019) đã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí.
Đặc biệt, đối với 19 tiêu chí NTM nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của các xã đạt kết quả ấn tượng hơn cả. Hiện, 14/15 xã đều có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở mức dưới 1%, trong khi, xã Trung Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn huyện cũng chỉ còn 1,06%. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đã đạt khoảng 46 triệu đồng/năm.
Khó khăn chưa hết
Dù đã đạt được những bước tiến tích cực trong xây dựng NTM nâng cao, tuy nhiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế cần khắc phục. Đó là kết quả xây dựng NTM tại một số xã chưa đồng đều. Một số tiêu chí như tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, môi trường và an toàn thực phẩm đạt chưa cao.
Đặc biệt, thu hút nguồn lực xã hội hóa cho công tác xây dựng NTM của địa phương chưa tốt. Minh chứng là với 18,3 tỷ đồng huy động được từ các tổ chức, DN và Nhân dân từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Đan Phượng thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ huy động từ xã hội hóa thấp của Hà Nội.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh, dù vẫn nằm trong tốp đầu về xây dựng NTM của TP, tuy nhiên, không bởi vậy mà địa phương tự bằng lòng với thành tích đã đạt được. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thành phê duyệt quy hoạch trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn.
Đồng thời đa dạng giải pháp huy động nguồn lực xã hội để cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và thiết chế văn hóa, nhất là các trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao ngoài trời tại các xã cho người dân.
Địa phương cũng đang thí điểm triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn ở 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung, tiến tới nhân rộng ra toàn huyện. Cùng với đó, tiếp tục phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, thúc đẩy các ngành nghề thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân.

"Hiện nay, toàn huyện có tổng số 1.375ha diện tích đất nông nghiệp và bãi bồi ven sông Đáy, sông Hồng. Diện tích đất trên vướng Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều nên không thể phát triển kinh tế. Do đó, địa phương kiến nghị TP và các bộ ngành nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất." - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần