Xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Đan Phượng: Đồng thuận là chìa khóa thành công

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi trở thành địa phương đầu tiên của Hà Nội về đích nông thôn mới (NTM), huyện Đan Phượng tiếp tục giữ vững vị thế “lá cờ tiên phong” khi có 3 xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nâng tầm diện mạo nông thôn
Sau khi về đích huyện NTM năm 2015, huyện Đan Phượng đã lựa chọn 3 xã: Ðan Phượng, Song Phượng và Liên Trung để tập trung thực hiện bộ tiêu chí NTM nâng cao. Trong đó hoàn thành điều chỉnh, lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn. Hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn.
Cùng với đó, các xã tích cực thực hiện chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn. Mỗi xã xây dựng ít nhất một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đời sống nông dân 3 xã không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của hai xã Ðan Phượng và Song Phượng đã đạt gần 51 triệu đồng/năm; riêng xã Liên Trung lên tới 62 triệu đồng/năm.
 Con đường bích họa tô điểm cho những làng quê ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng
Tỷ lệ hộ nghèo của xã Ðan Phượng là 0,54%, xã Liên Trung còn 0,24%, trong khi xã Song Phượng không còn hộ nghèo. Tháng 5/2019, 3 xã: Ðan Phượng, Song Phượng và Liên Trung vinh dự được UBND TP công nhận là những địa phương đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trên cơ sở thành công có được, huyện Ðan Phượng tiếp tục chỉ đạo, tập trung phấn đấu đưa 7 xã: Ðồng Tháp, Phương Ðình, Thọ An, Trung Châu, Tân Hội, Tân Lập và Liên Hà về đích NTM nâng cao trong năm 2019. Ðến nay, toàn bộ 7 xã đều đạt và cơ bản đạt từ 15/19 tiêu chí NTM nâng cao trở lên. Trong đó, hai xã Phương Ðình và Liên Hà đã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí.
Hướng tới mục tiêu cao hơn 
Với việc có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Đan Phượng tiếp tục dẫn đầu TP Hà Nội trong công cuộc xây dựng NTM. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, ngay từ khi bắt tay triển khai Chương trình xây dựng NTM nâng cao (giai đoạn 2016 – 2020), địa phương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ thành khẩu hiệu: Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận. Triển khai 3 tập trung về tuyên truyền, tập trung nguồn lực; 4 trụ cột trong nông nghiệp và 5 điểm nhấn về văn hóa – xã hội.
Hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về nguồn vốn cũng đã được huyện Đan Phượng triển khai. Theo đó, 7 xã đặt mục tiêu về đích NTM nâng cao trong năm 2019 được ngân sách huyện hỗ trợ 500 triệu đồng/xã.
Bên cạnh đó là gần 600 triệu đồng kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện gắn biển số nhà, đặt tên đường làng, ngõ xóm… Nhưng yếu tố quan trọng nhất mang tới thành công, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng là sự đồng thuận của Nhân dân.
Theo ông Hùng, phát huy dân chủ chính là chìa khóa, động lực cho sự phát triển. Muốn vậy phải công khai, minh bạch ở tất cả các khâu, nhất là trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực. Cùng với đó, cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
Cũng theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, mặc dù vẫn nằm trong tốp đầu về xây dựng NTM của TP, tuy nhiên, không vì thế mà chính quyền và Nhân dân địa phương có thể tự bằng lòng với thành tích đã đạt được. Thời gian tới, huyện sẽ đặt mục tiêu đạt chuẩn NTM cao hơn nhằm tạo sức ép để các xã không ngừng phấn đấu cải thiện chất lượng các tiêu chí.

"Thực tiễn cho thấy, ở nơi đâu có đoàn kết nội bộ tốt, phát huy dân chủ thực sự, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc thì xây dựng NTM ở đó đạt kết quả cao. Thành công trong xây dựng NTM mà huyện Đan Phượng có được đến nay cũng là bài học kinh nghiệm mà các địa phương có thể học hỏi để hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm NTM." - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần