Xây dựng nông thôn mới xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh: Thực tế khác xa báo cáo

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới đây nhất về kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh nêu: Đường trục chính nội đồng kết hợp mương trên toàn xã đã được cứng hóa 100%; Mặt đường rộng từ 3 - 5m.

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, từ thực tế tới kết quả báo cáo có một khoảng cách rất lớn.
Đầu tháng 7/2017, khi đến thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm, chúng tôi được chứng kiến sự vất vả trong sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. Chỉ sau một trận mưa, những con đường giao thông, thủy lợi nội đồng ở thôn Thanh Vân đã bị dòng nước nhấn chìm. Đường đất, trơn trượt khiến người dân đi lại hết sức khó khăn. Xắn ống quần  lấm lem bùn đất cao ngang đầu gối, bà Lê Thị Vững (thôn Thanh Vân) gánh rau từ khu đồng Cầu Gián về làng. Đường lầy lội, chiếc xe đạp cũ của bà không thể đi vào được nên sáng nay bà dùng quang gánh đi thu hoạch rau. Việc đi xe máy cũng gặp khó do đường trơn trượt. Tay lái không vững, rất dễ bị ngã. Theo bà Vững, tình trạng đường lầy lội không chỉ khi trời có mưa, mà khi nước từ đầm Thanh Vân chảy tràn trong quá trình bơm tưới phục vụ sản xuất, đường cũng bị ngập. Chỉ khảo sát riêng tại thôn Thanh Vân cũng có thể khẳng định tỷ lệ cứng hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng không thể đạt 100% như báo cáo của xã đã nêu!

Đường giao thông, thủy lợi nội đồng tại thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm chưa được kiên cố hóa, ảnh hưởng lớn tới sản xuất của bà con.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những thông tin liên quan tới câu chuyện giao thông, thủy lợi nội đồng, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm Nguyễn Văn Giỏi cho biết, thực tế tại thôn Thanh Vân, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư nâng cấp (?!) Việc đi lại khó khăn theo phản ánh của bà con là có thật. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Giỏi,  là do nhiều năm qua, việc dồn điền đổi thửa tại thôn Thanh Vân gặp nhiều khó khăn do người dân chưa đồng thuận.
Theo tìm hiểu, toàn xã Thanh Lâm có 9 thôn, tuy nhiên đến nay, mới chỉ có hai thôn là Ngự Tiền và Đức Hậu hoàn thành dồn đổi ruộng đất. Việc không dồn ghép được ruộng đất cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng gặp trở ngại. Cũng theo ông Giỏi, trong kế hoạch đầu tư trung hạn, xã Thanh Lâm đã có kế hoạch bố trí nguồn vốn cho hạng mục này. Trước mắt, địa phương đang tập trung vận động bà con ủng hộ việc dồn ghép ruộng đất nhằm tạo thuận lợi cho quy hoạch phát triển sản xuất, trước khi đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Ông Giỏi chia sẻ, Thanh Lâm là địa phương còn nhiều khó khăn nhất của huyện Mê Linh. Để có thể hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, trong đó có giao thông, thủy lợi nội đồng, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn từ TP và huyện.
Được biết, xã Thanh Lâm đã về đích NTM từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, việc hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa hoàn thiện ảnh hưởng lớn tới sản xuất, cũng như mục tiêu nâng cao đời sống người dân theo định hướng Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Việc báo cáo của địa phương khác với thực tế cũng là vấn đề cần phải xem xét. Hiệu quả thực tế, không chạy theo thành tích là một trong những yếu tố quan trọng, bảo đảm cho việc xây dựng thành công NTM.
               

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần