Xây dựng pháp luật về trẻ em phải lấy ý kiến trẻ em

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ý kiến của trẻ em (TE) phải được tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu và có phản hồi.

Trẻ em được nêu ý kiến vào việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em. Ảnh: Thủy Trúc
Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BLDDTBXH Hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của TE trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến TE.
Từ ngày 15/2/2019, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của TE, Hội Bảo vệ quyền TE Việt Nam chủ động tổ chức thực hiện lấy ý kiến của trẻ trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của TE. Đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin cho TE; nội dung và hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành và sự phát triển của TE.
Các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến phải tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi TE bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến. Và, đảm bảo bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của TE tham gia lấy ý kiến.
Những ý kiến, nguyện vọng của TE, của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của TE và Hội Bảo vệ quyền TE Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.
Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh, người thực hiện lấy ý kiến của TE phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với TE.