Xây dựng thành phố môi trường: Bắt đầu từ nhận thức

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng, để xây dựng thành phố môi trường, trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của người dân, DN. Chính quyền vào cuộc, hành động tích cực nhưng ý thức, nhận thức của người dân, DN không tốt thì rất khó thành công.

 Ra quân dọn vệ sinh môi trường tại TP Đà Nẵng.
Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng ngày 18/12, ông Tô Văn Hùng thông tin, hàng năm, TP Đà Nẵng tiêu tốn 300 tỷ đồng cho việc xử lý rác. Thế nhưng, sau trận mưa vừa qua, rác tràn ngập các bãi biển, phần lớn rác thải sinh hoạt. Qua việc thu dọn, phát hiện cả chăn, chiếu, mùng màn đến cả giường cũ… tuôn từ cống ra biển. Từ thực trạng trên, ông Hùng cho rằng, ý thức, nhận thức của người dân và DN chính là rào cản bảo vệ môi trường. “Với nhận thức hiện nay, người dân cho rằng trách nhiệm thuộc về ngành chức năng, Sở TN&MT; cơ quan chính quyền phải vào cuộc. Thực tế, TP đã có nhiều kế hoạch để giải quyết nhưng nếu các đơn vị, người dân không cùng vào cuộc thì sẽ rất khó” - ông Hùng bày tỏ.

Nói về giải pháp xây dựng Đà Nẵng là thành phố môi trường, Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng nhìn nhận: Đầu tiên phải huy động được nguồn lực. Cụ thể là xã hội hóa, khai thác nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng chương trình bảo vệ môi trường. Hiện nay, nguồn lực thực hiện, ngân sách không thể giải quyết vấn đề này vì quá lớn.

Về giải pháp kỹ thuật, ông Hùng cho rằng sẽ phải triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn vào năm 2019. “Sở TN&MT đang triển khai đề án này và Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở TN&MT chủ trì triển khai trong vòng 3 tháng chuẩn bị. Việc này khó nhưng quyết tâm làm, vì nếu không làm được thì Đà Nẵng khó đạt danh hiệu thành phố môi trường”. Bên cạnh đó, TP cần nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.

Tiếp theo là công tác quản lý và giám sát. Cụ thể là dự báo, thiết lập hệ thống dữ liệu, quy hoạch, phân cấp, hoàn thiện hệ thống văn bản, quy chuẩn riêng, xây dựng hệ thống quan trắc tự động. Công tác thanh tra, kiểm tra phải thường xuyên, hiệu quả. Trong đó, công tác giám sát môi trường không chỉ thuộc các cấp chính quyền, HĐND mà phải là của cả cộng đồng. “Công tác quản lý, dự báo tốt sẽ sẵn sàng ứng phó những vấn đề đột biến, cực đoan… Các điểm nóng môi trường là do thiếu tính dự báo trong quy hoạch, giám sát” - ông Hùng nói.

Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, kết quả 10 năm thực hiện đề án thành phố môi trường, Đà Nẵng đã khắc phục 7/13 điểm nóng môi trường; đạt 5/10 tiêu chí xây dựng thành phố môi trường (chỉ số ô nhiễm không khí; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch 96,5%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 82%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 95; diện tích bình quân cây xanh đô thị (đã đạt 7,3m2/người); có hơn 100 mô hình hoạt động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần