Xây dựng thương hiệu thông qua chỉ dẫn địa lý

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nâng cao giá trị gia tăng đặc sản vùng miền đòi hỏi phải xây dựng thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm - đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo "Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý" do UBND TP Hà Nội, Bộ Công Thương vừa tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2016.

Doanh nghiệp chưa chú trọng đăng ký chỉ dẫn địa lý
Mỗi vùng miền Việt Nam đều ​có rất nhiều loại đặc sản, nhưng kết quả điều tra  cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài; 50 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài… Theo ông Lưu Đức Thanh - Trưởng phòng chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN), nguyên nhân là do nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ mang tính tự phát, năng lực hiệu quả hoạt động của các DN còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và DN chưa chặt chẽ. Hơn nữa, việc nhận thức, quản lý và giám sát lỏng lẻo chỉ dẫn địa lý khiến cho nạn hàng giả, hàng nhái diễn ra ở nhiều nơi.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản và các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ Đặc sản vùng miền, tối 1/12/2016. Ảnh: Khắc Kiên

Đơn cử, năm 2014 sản phẩm cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đã được công nhận chỉ dẫn địa lý nhưng sản phẩm này vẫn chưa vươn tới được các thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân do sản lượng thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế, xuất hiện tình trạng làm giả thương hiệu đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản phẩm cam này. Tương tự, gạo đặc sản Điện Biên mặc dù đã được công nhận chỉ dẫn địa lý và UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định xây dựng quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý nhưng do việc tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian nên việc quản lý chất lượng gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu.
Theo luật sư Trần Tám - Giám đốc điều hành Công ty TNHH IPCom Việt Nam: Do thiếu cơ sở pháp lý nên chỉ dẫn địa lý chưa trở thành dấu hiệu thương mại độc quyền; sản phẩm dán tem và không dán tem không có sự phân biệt rõ ràng.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý đi cùng với hoạt động quảng bá
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nêu rõ: Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Trong những năm qua, TP Hà Nội luôn quan tâm tạo điều kiện cho các DN, HTX trên địa bàn đẩy mạnh phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý như bưởi Diễn, cốm làng Vòng, bún Phú Đô, giò chả Ước Lễ, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tẻ Phú Nhi...
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mà không thực hiện các hoạt động quảng bá thì việc khai thác thương mại các sản phẩm được bảo hộ sẽ không mang lại hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội cho biết: Thời gian qua, TP Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều Hội chợ Đặc sản vùng miền nhằm giúp các DN liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường hàng năm phục vụ Nhân dân Thủ đô dịp cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. “Đây là hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ DN các tỉnh, thành thông tin chỉ dẫn địa lý đặc sản tới người dân Hà Nội” - bà Nguyễn Thị Mai Anh khẳng định.
Việc tham gia chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp đặc sản vùng miền vượt ra khỏi phạm vi một địa phương mà còn góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia và mở rộng sự nhận biết của cộng đồng quốc tế đối với sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam qua đó thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần