Xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Bên lề Hội nghị quốc tế về khảo thí Ngoại ngữ New Directions tại Việt Nam sáng 13/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng một trung tâm khảo thí đánh giá trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế.

Theo ông Ga, hiện nay, Việt Nam đã đưa ra khung trình độ ngoại ngữ 6 bậc dành cho người Việt Nam tương thích với khung trình độ 6 bậc của châu Âu. Một số cơ sở giáo dục đang tiến hành đánh giá trình độ ngoại ngữ của sinh viên (SV) theo khung năng lực này. Nhưng việc đánh giá ngoại ngữ mới công nhận ở trong nước, cho nên bây giờ cần có sự tương đồng với khung của thế giới. Mà khảo thí ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu trong quá trình dạy và học ngôn ngữ, có thể xem như thước đo khả năng sử dụng ngoại ngữ thực tế của học viên. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác này lại càng quan trọng. Khi năng lực ngoại ngữ được đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế, lao động Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động; đồng nghĩa có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong bối cảnh chuyển dịch lao động tự do giữa các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Vướng mắc hiện nay nằm ở kinh nghiệm đánh giá, làm sao để bài đánh giá của Việt Nam tương thích với bài của thế giới, chứng chỉ của các trung tâm khảo thí của Việt Nam cấp cho thí sinh cũng được các nước công nhận.
Thực tế, khi thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020, bên cạnh việc bồi dưỡng giáo viên dạy ngoại ngữ các cấp, Bộ GD&ĐT đã tập huấn cho các chuyên gia làm công tác đánh giá. Hiện đã có một số lượng đáng kể những người làm công việc này, cùng với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Anh, sẽ có thể hình thành trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế. Cũng phải nói rằng, gần như tất cả các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đều phải công bố chuẩn đầu ra, trong đó ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc đối với SV tốt nghiệp đại học và khá nhiều trường thực hiện quy định này. Khi các trường thực hiện nghiêm túc, có rất nhiều SV hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa đủ trình độ năng lực ngoại ngữ nên không được nhận bằng tốt nghiệp. Thế nên, thực hiện kiểm định nhằm để đảm bảo cho các em có trình độ ngoại ngữ nhất định ra trường hòa nhập được vào thị trường lao động, nhất là khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tất nhiên, thực hiện điều này sẽ có điểm "vấp" là SV hơi yếu về kỹ năng giao tiếp bởi ít có cơ hội tiếp xúc với người bản ngữ. Khắc phục yếu điểm này, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thêm các giáo viên bản ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nhật...) để SV tiếp cận trực tiếp. Đồng thời, khuyến khích các trường ĐH tăng cường chiêu sinh SV quốc tế đến học, để có cơ hội giao lưu về văn hóa và ngoại ngữ; có chủ trương khuyến khích các trường tăng cường dạy kỹ năng nói chứ không thiên về kỹ năng đọc - hiểu.