Theo Bộ Tư pháp, đến nay, cả nước đã có 11.660 TSPL xã, phường, thị trấn (TSPL cấp xã)/11.162 đơn vị cấp xã trên toàn quốc, trong đó có nhiều đơn vị cấp xã có hơn 1 TSPL và 60.308 TTSPL ở cơ quan, đơn vị. Qua tổng kết thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL cho thấy, TSPL đã góp phần đa dạng hóa thiết chế văn hóa - thông tin tại cơ sở, cơ quan, đơn vị; phục vụ công tác chuyên môn, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ theo pháp luật của chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức; góp phần bảo đảm quyền được thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhân dân.Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh, văn hóa đọc suy giảm, sự thay đổi nhu cầu tìm hiểu pháp luật thông qua TSPL, một số quy định trong Quyết định số 06 và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định này đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Quy định về xây dựng, duy trì TSPL tại tất cả các đơn vị cấp xã, cơ quan, đơn vị trên toàn quốc không còn phù hợp trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, nhiều đơn vị cấp xã đã được trang bị máy tính, kết nối mạng internet để khai thác, tra cứu văn bản, tài liệu. Trên thực tế, nhiều địa phương, cơ quan đã đánh giá TSPL truyền thống tại cấp xã, cơ quan, thu hút rất ít người đến đọc, mượn.Bên cạnh đó, mô hình TSPL điện tử đã được quy định trong Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg nhưng còn chung chung, chưa rõ mô hình, cơ chế vận hành. Thời gian qua, Bộ Tư pháp và một số địa phương (Long An, TP. Hồ Chí Minh…) đã xây dựng chuyên mục “Tủ sách pháp luật” trên Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhưng nội dung còn sơ sài, chưa có sự liên kết, chia sẻ rộng rãi và thu hút nhiều người đọc truy cập, khai thác.Do đó, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL do Bộ Tư pháp đang xây dựng đã quy định về nội dung mới, đó là xây dựng mô hình TSPL điện tử. Theo đó, có hai phương án được đưa ra: TSPL điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; TSPL điện tử trên Cổng/trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quang ngang bộ, cơ quan Nhà nước khác ở T.Ư (bao gồm TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước), UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng TSPL điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý. Bộ Tư pháp cấp tài khoản quản trị và phân quyền quản trị để các bộ, cơ quan, đơn vị cập nhật, bổ sung sách, tài liệu pháp luật thuộc phạm vi quản lý theo hướng quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc về văn bản pháp luật. Mô hình này có ưu điểm là bảo đảm tiết kiệm, thống nhất trong quản lý, hướng dẫn, vận hành TSPL; tạo điều kiện thuận tiện trong khai thác, tra cứu sách, tài liệu pháp luật, tạo kho tài liệu pháp luật để sử dụng chung, chia sẻ.Còn với việc xây dựng TSPL điện tử trên Cổng/trang thông tin điện tử của bộ, ngành, cơ quan Nhà nước khác ở T.Ư có ưu điểm là tạo sự chủ động cho bộ, ngành T.Ư, địa phương trong xây dựng, quản lý, vận hành TSPL. Tuy nhiên, với việc có nhiều mô hình TSPL điện tử sẽ khó khăn trong việc quản lý, không thống nhất, nhiều khi trùng lắp nội dung, gây lãng phí nguồn lực.