Xây dựng văn hóa giao thông cho lái xe taxi: Việc cấp thiết phải làm

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù được coi là một trong những loại hình vận tải hành khách công cộng (VTKCC), nhưng một bộ phận không nhỏ tài xế taxi, thay vì phục vụ một cách chuyên nghiệp, lại đang mang đến cho cộng đồng khá nhiều phiền toái.

Giành giật phần đường

Hầu hết các tuyến đường trọng điểm kết nối đến khu vực trung tâm TP Hà Nội hiện nay như Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng… thường xuyên lâm vào cảnh UTGT, nhất là vào giờ cao điểm hay khi có mưa lớn. Bên cạnh nhiều nguyên nhân khác, một bộ phận không nhỏ xe taxi chính là tác nhân làm gia tăng UTGT trên những tuyến đường này.

Theo các chuyên gia giao thông, không nên có tư duy rằng cấm taxi trong giờ cao điểm thì các tuyến đường sẽ bớt ùn tắc. Thực tế, vào khung giờ cao điểm, lượng phương tiện dồn về trung tâm vẫn phải đi qua các cửa ngõ. Dù không vào sâu nhưng tại các cửa ngõ, nhiều taxi vẫn nghênh ngang đi lấn đường, đi theo kiểu "điền vào chỗ trống" gây mất trật tự, ATGT. Dồn ứ tại các cửa ngõ thì toàn tuyến cũng khó tránh khỏi ùn tắc.

Taxi hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công

Anh Trịnh Trung Hiếu (Hà Đông) cho biết: “Nhiều hôm, ngay ngã ba Mộ Lao - Tố Hữu, xe taxi dàn hàng ngang trước mặt, muốn vượt lên mà không biết đi thế nào. Hơn nữa, tâm lý chung của nhiều người tham gia giao thông là thấy xe này, xe kia đi được... thì mình cũng đi theo. Một taxi ken sát lề đường là kéo theo sau cả đoàn ô tô con bám đuôi nhích dần. Cứ thế bảo sao không ùn tắc”.

Một lái xe taxi phân trần: “Đúng là cánh taxi chúng tôi đôi khi phải chạy nhanh, lấn làn, vượt ẩu, nhưng tất cả đều do cuộc sống cả thôi. Tổng đài báo địa chỉ, anh em phải chạy đua đến đón khách. Hơn nữa, trong mỗi ca làm việc, anh em đều muốn chở được nhiều khách nhất có thể, càng đi nhanh càng tiết kiệm được thời gian”.

Không ít người cho rằng, là một loại hình VTKCC, taxi cần phải chấn chỉnh hoạt động sao cho bài bản hơn, đặc biệt cần đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Anh Hiếu bức xúc: “Chạy bạt mạng như mấy ông taxi, gây ùn tắc khắp nơi thì làm sao có thể coi là VTKCC”.

Dừng đỗ tùy tiện

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong phương án kinh doanh của các hãng taxi phải đảm bảo điều kiện về bãi đỗ, khu vực giao ca, sảnh chờ đón khách… Thế nhưng thực tế hiện nay, taxi là một trong những loại phương tiện dừng đỗ, thậm chí nằm lì một cách bừa bãi nhất tại Hà Nội. Từ trong các ngõ xóm, khu dân cư, trên vỉa hè phố lớn hay quanh các bến xe, đâu đâu cũng thấy những chiếc taxi ẩn hiện. Đặc biệt, việc dừng đón trả khách đang gây rất nhiều bức xúc cho người tham gia giao thông. Bất kể chỗ nào, chỉ cần có khách vẫy là lái xe taxi sẵn sàng phanh gấp, ngoặt tay lái, cắt mặt cả dòng phương tiện để vào đón. Anh Đinh Văn Tú (Long Biên) nhận xét: “Đó không chỉ là hành vi thiếu ý thức nữa mà đã thành căn bệnh chung của nhiều “ông” taxi”.

Quan sát dọc trên tuyến đường Giảng Võ - Lê Văn Lương - Tố Hữu, nơi mà TP đã có quy định tuyệt đối không cho phép taxi dừng đón trả khách vẫn có thể thấy không ít taxi hoạt động. Nhất là trên phố Giảng Võ, tuyến phố có mặt cắt nhỏ, lưu lượng phương tiện đông đúc, nhưng taxi vẫn nghênh ngang dừng đỗ hay dừng đón khách đột ngột bất cứ vị trí nào. Các khu vực taxi dừng đỗ tùy tiện gây khó chịu nhất cho người tham gia giao thông phải kể đến quanh các bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm; hay quanh các bệnh viện, chung cư cao tầng… Đơn cử, lối vào Bệnh viện Nhi T.Ư, tại ngõ 18/879 La Thành (Đống Đa), hầu như ùn ứ phương tiện suốt ngày vì xe taxi nối hàng ra vào, gây cản trở giao thông.

Tăng chế tài xử lý

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, TP hiện có 77 hãng taxi với hơn 19.000 xe; vận chuyển 110 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng 2% nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, còn có khoảng 3.000 taxi ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn TP dẫn đến tình trạng bát nháo trong hoạt động taxi. Anh Tú cho rằng: “Tất cả những hành vi thiếu tôn trọng luật giao thông, gây bức xúc cho cộng đồng của bộ phận không nhỏ tài xế taxi hiện nay đã trở thành những thói quen xấu và rất khó loại bỏ”.
 Taxi đón khách trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Các chuyên gia giao thông cho rằng, muốn xóa triệt để những bức xúc do xe taxi gây ra, trước hết phải bắt đầu từ công tác quản lý Nhà nước, sau đó đến quản trị DN và xây dựng ý thức cho người lái xe. Taxi Hà Nội cần phải được quản lý quy củ, bài bản, chặt chẽ bằng hệ thống quy chế cụ thể, hoàn thiện. Có Quy chế rồi, trên cơ sở đó, các DN phải tự hoàn thiện công tác quản trị của mình; chặt chẽ từ khâu tuyển nhân sự, đào tạo nghề, giáo dục ý thức, đạo đức nghề nghiệp cho lái xe. Như vậy, những tài xế taxi mới có thể tự nâng cao ý thức của mình. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và đang thất thế trước các hãng taxi công nghệ, taxi truyền thống phải tự cứu mình bằng cách cũng áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động. Giảm được kilômét và thời chạy rỗng, giảm được chi phí đầu vào, lợi nhuận của taxi sẽ được cải thiện tích cực. Không phải chịu áp lực nặng từ việc chạy đua đón khách sẽ giúp những tài xế taxi có ý thức tuân thủ luật giao thông hơn một cách tự nhiên.

Chất lượng taxi hiện nay vẫn chưa tương xứng với giá cước. Công tác quản trị của các DN taxi còn nhiều lỏng lẻo, hiệu quả chưa cao, ý thức của người lái xe còn thấp.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang