Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên: Không thể thiếu sự đồng hành của gia đình

Trung úy Nguyễn Hữu Phước (Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với những năm trước đây, chủ đề an toàn giao thông (ATGT) “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” năm nay được Ủy ban ATGT Quốc gia lựa chọn, được nhận định là thời sự và rất trúng đối tượng cần tuyên truyền.

Song, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề ATGT nếu chỉ là câu chuyện của cơ quan quản lý Nhà nước,  không có sự vào cuộc của các gia đình, của toàn xã hội, thì dù có làm cả một thập niên hay hơn thế nữa vẫn là chưa đủ.
Những con số báo động
Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, tai nạn giao thông (TNGT) hiện đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Mỗi năm, TNGT đường bộ cướp đi 1,3 triệu sinh mạng trên thế giới, trong đó có 350.000 thanh, thiếu niên. Tại Việt Nam, mặc dù số vụ, số người chết vì TNGT trong những năm qua liên tục giảm nhưng tỷ lệ tử vong và tỷ lệ vi phạm trật tự ATGT của thanh, thiếu niên lại tăng nhanh. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã xảy ra 6.369 vụ TNGT, khiến 2.795 người chết và làm bị thương 5.119 người. Điều đáng nói, trong số này có đến gần 40% vụ TNGT liên quan đến thanh, thiếu niên. Đặc biệt có đến 47% số nạn nhân nằm trong độ tuổi dưới 30, độ tuổi đang có nhiều đóng góp cho gia đình, cho xã hội.

Nhiều học sinh coi thường tính mạng khi tham gia giao thông. Ảnh: Công Hùng

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức năm 2016, tại TP Hồ Chí Minh, học sinh cấp 3 là đối tượng có liên quan đến hơn 70% các vụ TNGT và có tỉ lệ tử vong rất cao. Tiếp đó là đến nhóm học sinh cấp 2. Trong tổng số các vụ TNGT liên quan đến thanh, thiếu niên thì có trên 85% số vụ liên quan đến trẻ em nam, hơn 80% TNGT do chính các em trực tiếp điều khiển phương tiện.
Tại Hà Nội, mặc dù chưa có một nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra số thanh, thiếu niên tử vong, tổn thương sức khỏe do TNGT. Tuy nhiên, hàng loạt các vụ TNGT đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua liên quan đến thanh, thiếu niên đã gióng lên một hồi chuông báo động về ý thức chấp hành luật giao thông của đối tượng này.
Cần sự vào cuộc của xã hội
Với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” cùng mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, để công tác ATGT năm nay hiệu quả hơn, Ủy ban sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, góp phần chuyển đổi hành vi của đoàn viên, thanh niên trong quá trình tham gia giao thông. Đồng thời, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay về tham gia giữ gìn trật tự ATGT của thanh, thiếu niên… từ đó giúp các em xác định rõ trách nhiệm và phát huy tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc thực hiện pháp luật về giao thông, tích cực tham gia các hoạt động hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông (UTGT).
Được biết, trong những năm qua, để đảm bảo trật tự ATGT, tránh UTGT, cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng, các đơn vị có chức năng đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù đã tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhiều nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm, đặc biệt là các đối tượng thanh, thiếu niên. Do đó, để chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” đem lại những hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến sâu rộng, điều quan trọng nhất chính là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ sở giáo dục, của các gia đình – những tế bào của xã hội. Bởi, đây là đối tượng đang trong độ tuổi muốn khẳng định bản thân, nếu thiếu đi sự uốn nắn của gia đình, xã hội, các em sẽ rất dễ nhiễm vào mình những hành vi, thói quen xấu, đi ngược lại với chuẩn mực chung của xã hội.
Năm ATGT 2017 với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”,  Ủy ban ATGT Quốc gia  phấn đấu tiếp tục giảm TNGT trên 5% ở cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần