Xây dựng văn hóa ứng xử tại các bến xe: Một tay vỗ không kêu

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng là một trong những mục tiêu quan trọng đang được Hà Nội chú tâm thực hiện.

Tuy nhiên, cũng phải xác định đó là một chặng đường dài để đến đích, đặc biệt là tại những nơi xô bồ như bến xe, nhà ga…

Làm dâu trăm họ

Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng trong khu vực mình quản lý, Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành thẳng thắn chia sẻ, muốn giữ được thái độ cư xử văn minh, lịch sự, cán bộ, nhân viên bến cần phải có sự nhẫn nại vô bờ bến đối với cả hành khách lẫn lái, phụ xe. Mỗi ngày đều có những trường hợp khách phản ứng rất gay gắt, thậm chí chửi bới, đe dọa nhân viên bến vì những lý do “trời ơi”. “Ví dụ như hành khách không chịu mua vé mà cứ đòi vào thẳng sân chờ để lên xe trả tiền mặt. Dù anh em giải thích thế nào cũng không chịu, bị ngăn cản thì nổi khùng và cư xử rất thiếu tôn trọng với chúng tôi. Hay nhiều vị hút thuốc tại khu vực cấm, khạc nhổ bừa bãi, thậm chí đi vệ sinh tùy tiện…” - ông Thành tâm sự.
 Hướng dẫn khách lên xe tại Bến xe Mỹ Đình.   Ảnh:  Công Hùng

Bên cạnh đó, việc giám sát hành vi của lái, phụ xe cũng khiến các đơn vị quản lý bến đau đầu. Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Đức Vui cho biết, hành vi chèo kéo khách của lái, phụ xe đã bị nghiêm cấm và nếu phát hiện bị xử phạt rất nặng. Vừa qua cũng có một số trường hợp xe bị từ chối phục vụ vì để lái, phụ xe chèo kéo khách trên sảnh bán vé. Nhưng không chỉ vậy, nhiều lái, phụ xe còn có hành vi bỡn cợt, trêu chọc phụ nữ, lớn tiếng với khách, hay văng tục chửi bậy… Lý giải hiện tượng này, ông Vui cho rằng, do một bộ phận lái, phụ xe trình độ học vấn không cao, nhận thức kém, DN vận tải quản lý không nghiêm và không thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp nên ứng xử chưa đúng mực. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tất Thành cho rằng: “Có hàng nghìn lái, phụ xe hoạt động tại bến mỗi ngày, mà nhân viên bến thì có hạn, không thể có mặt mọi lúc, mọi nơi kịp thời. Gặp trường hợp lái, phụ xe thiếu lễ độ, nếu hành khách không thông báo, bến không thể biết để xử lý”.

Hãy cùng cố gắng

Giám đốc Nguyễn Tất Thành cho biết, để nâng cao ý thức, văn hóa ứng xử với người dân, hành khách, mỗi năm, đơn vị tổ chức 2 khóa tập huấn, mời các chuyên gia tâm lý hàng đầu về giảng dạy cho cán bộ, nhân viên bến xe. Bên cạnh đó, trong Nội quy, Quy chế hoạt động của bến cũng quy định rất rõ ràng tiêu chí ứng xử và hình thức kỷ luật đối với những người không thực hiện tốt. “Có thể khẳng định, chúng tôi đang nỗ lực hết mình từng ngày để xây dựng hình ảnh bến xe thân thiện, văn minh trong mắt hành khách” - ông Thành khẳng định.

Nhưng đó mới chỉ về phía đơn vị quản lý bến, còn thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ các “thượng đế” và lái, phụ xe chưa đáp ứng được tiêu chí ứng xử văn minh nơi công cộng. Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, bến xe là nơi thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, trong đó có cả những người ý thức chưa cao hoặc thiếu hẳn nhận thức về văn hóa ứng xử. “Nếu chỉ có một đơn vị bến nỗ lực thì sẽ không bao giờ hình thành được nếp văn hóa nơi công cộng. Các DN vận tải cần siết chặt quản lý người lao động, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho lái, phụ xe. Hành khách đến bến cũng cần có ý thức chấp hành các quy định, giao tiếp bình tĩnh, lịch sự để cùng xây dựng môi trường văn minh tại bến xe” - ông Tuấn cho biết.

Chuyên gia tâm lý học xã hội Nguyễn Anh Minh nhìn nhận: “Một nguyên tắc đơn giản trong giao tiếp xã hội là anh tôn trọng tôi, tôi mới tôn trọng anh. Bất cứ cán bộ, nhân viên bến xe nào cũng có tự trọng, cũng mong muốn được cư xử đúng mực và rất dễ phản ứng gay gắt nếu bị lăng mạ hay đe dọa”. Hình thành ý thức cộng đồng là việc không dễ và đòi hỏi nhiều thời gian, tâm sức. Quan trọng nhất là tất cả phải cùng cố gắng, chứ không thể xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng chỉ từ một phía.

Nỗi ám ảnh bến xe

Lần đầu tiên ra TP một mình bằng xe khách, tôi xuống xe và đứng đợi người thân ngoài cổng bến. Có một người phụ nữ cứ tần ngần trên hè phố, chốc chốc lại nhấn một bước chân xuống lòng đường, rồi thụt lùi trở lại. Mấy bà bán hàng ở cổng bến xe thấy thế bảo chị cứ từ từ xin đường, chứ chờ hết xe qua đường thì họa chăng là… 3 giờ sáng.

Người phụ nữ chần chừ mãi rồi cũng sang được bên kia đường. Lúc chị sang đến nơi, cũng là lúc một thanh niên bỗng áp sát, dúi vào tay tôi một cái hộp nhựa màu đen. Anh ta nói gì, tôi không nghe rõ, chỉ thấy vẻ lén lút và loáng thoáng “... một trăm nghìn”. Cuối cùng cũng hiểu, anh ta muốn bán cái máy ảnh, nói là đồ ăn cắp nên bán rẻ. Lúc đó, tôi mới nhận ra trong khi anh ta mời tôi mua đồ ăn cắp, người phụ nữ bán hàng ra sức mời tôi ngồi uống nước. Bà ấy nói rất to, át tiếng tên trộm, đó là một cách cảnh báo. Khi anh ta bỏ đi, bà ấy bảo tôi: “Cháu đừng bao giờ mua bất cứ thứ gì người ta mời mua kiểu đó ở bến xe. Thứ nhất chúng là đồ ăn trộm, thứ hai rất đắt, và cuối cùng là… đồ đểu”.

Tôi vốn sợ bến xe, vì nỗi ám ảnh từ khi còn nhỏ phải chen lấn mua vé đi xa ở bến, và hơn nữa, những người xung quanh luôn nói rằng bến xe là nơi lộn xộn, bát nháo. Tất nhiên, việc xếp hàng chen lấn mua cho được cái vé xe để về quê cách nhà 60km năm xưa đã lâu không còn tồn tại. Xe cộ nhiều và tiện vô cùng, nhưng sự bát nháo nơi bến xe thì chẳng hề thay đổi.

Lại nói, vì xe cộ ngày nay nhiều và tiện lợi, nên sinh ra cái thói giằng kéo, tranh cướp khách. Cũng trên bến xe mà tôi từng bị gạ mua đồ ăn trộm, có lần tôi chứng kiến một cuộc ẩu đả giữa 2 anh chàng phụ xe của 2 nhà xe vì tranh giành một hành khách. Lại có lần, trên một chuyến xe, tôi thấy chiếc xe chúng tôi đang đi bị một nhóm người đi xe máy áp sát và chặn lại, chỉ để “đòi” 3 hành khách đón xe trên địa bàn của nhà xe này đã bị nhà xe kia đón mất. Quang cảnh bến xe thường ngổn ngang kẻ nằm người ngồi vạ vật, nhất là những chuyến xe đường dài cập bến vào quãng lưng chừng đêm. Hành khách cập bến giữa đêm vạ vật chờ trời sáng để đến nơi mình cần đến…

Nhưng tôi vẫn tin ở chốn xô bồ bến xe ấy, không phải toàn những điều chướng tai gai mắt. Tôi đã phải di chuyển trong suốt nhiều năm bằng xe buýt và xe khách, đến nỗi bến xe khách, trạm trung chuyển nào trong TP tôi cũng từng đến ít nhất ba, bốn lần. Và tôi đã gặp những người tốt như bà bán hàng nước ở bến xe năm nào. Gặp những chú xe ôm mời đi xe, không đi nhưng vẫn nhiệt tình chỉ đường cho một cách chuẩn xác nhất. Tôi nhớ trong một bến xe có cả bưu điện, để hành khách tiện liên lạc, gửi gắm đồ đạc cho người thân, bạn bè…

Nhu cầu đi lại của người dân từ các nơi đổ về TP, và từ TP về các địa phương là rất cao. Người tốt, người lịch sự, văn minh vẫn nằm trong số nhiều hành khách và cả những người làm công việc phục vụ cho nhu cầu đi lại đó. Để xây dựng một TP văn minh, thì bến xe, nhà ga, bến tàu có lẽ cần được mọi người chung sức hơn cả, làm sao để xóa đi ấn tượng về một nơi công cộng xô bồ đã ăn sâu bám rễ vào tâm trí mọi người. Bây giờ, nhiều tệ nạn ở bến xe đã được dẹp bỏ, nhưng sẽ không thể duy trì được lâu nếu không có những biện pháp triệt để.

Song Ngư

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần