Xây sân bay Long Thành: 18 nghìn tỷ nữa giải phóng mặt bằng lấy đâu ra?

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành cần ít nhất 23.000 tỷ đồng, nhưng nay mới bố trí được 5.000 tỷ đồng. Vậy, còn 18.000 tỷ đồng nữa lấy từ đâu?

Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội khóa 13 thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94, có tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014).

Chiều 1/6/2017, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai
Theo kết quả điều tra khảo sát, lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 5.614,65 ha. Khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.019,6 tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017).

Thảo luận về nội dung này tại tổ Đại biểu Quốc hội Hà Nội, hầu hết các đại biểu đồng tình việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai trước. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời, tác động tốt đến đời sống người dân. Bởi người dân sống trong vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng được sớm ổn định đời sống, không phải thấp thỏm chờ đợi.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng, khi tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng hơn 23.000 tỷ đồng, trong khi thời điểm này mới bố trí được 5.000 tỷ đồng. Vậy 18.000 tỷ lấy ở đâu?

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, dự án này chỉ có thể thực hiện khi có phương án tài chính khả thi, hợp lý. Vậy, 18.000 tỷ lấy từ đâu thì chưa có phương án rõ ràng?. Do vậy, đi đôi với việc trình chủ trương, Chính phủ cần làm rõ hơn phương án tài chính. Không thể làm đến đâu tính đến đó.

Phân tích nguồn lực dự án, Đại biểu biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, tại Nghị quyết 26 của Quốc hội đưa vào dự toán 5.000 tỷ đồng để bố trí cho tái định cư. Tuy nhiên, 5.000 tỷ đồng chưa đủ, trong khi Chính phủ đề nghị hơn 23.000 tỷ đồng.

“Trong tờ trình của Chính phủ cũng có nói cân đối, tính toán thêm. Nhưng chúng tôi thấy rằng, dù có cân đối thế nào, thực tế hiện giờ nguồn lực không đủ”, Đại biểu bày tỏ.

Theo Đại biểu, với các dự án khác có thể xã hội hóa được, nhưng đây là dự án đền bù giải phóng mặt bằng, nên không thể xã hội hóa; cũng không thể đi vay nước ngoài ODA để giải phóng mặt bằng.

Trong tờ trình của Chính phủ có nêu phương án để có thêm một phần vốn từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ; nguồn từ cho thuê đất ngắn hạn... nhưng “dù cộng tất cả các nguồn này lại cũng chưa đáng là bao, không bù đắp được 18.000 tỷ còn thiếu”.

Hiện chỉ còn nguồn dự phòng nhưng theo nguyên tắc, nguồn dự phòng chỉ sử dụng trong các trường hợp khó khăn đột xuất. Bên cạnh đó, chưa thể sử dụng ngay tại thời điểm hiện nay, vì Quốc hội vừa thông qua kế hoạch đầu tư công, nên nguồn dự phòng chỉ sử dụng trong thời gian tiếp theo khi có những trường hợp đột xuất phát sinh.

Về cách tính giá đất, trước đây Chính phủ dự kiến giá đền bù tổng hết hết 18.500 tỷ đồng, nhưng nay do tăng giá đất nên tổng giá đền bù lên khoảng 23.000 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ và cơ sở nào, sau hơn 1 năm tổng giá tăng lên cao như vậy (tăng 4.500 tỷ đồng).

Thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Đại biểu Hoàng Văn Cường băn khoăn: “Hiện giờ chưa có dự án khả thi thì làm sao có danh giới thu hồi?”.

Bởi phải biết dự án triển khai đến đâu thì mới có danh giới để thu hồi, tránh tình trạng chỗ triển khai dự án thì chưa thu hồi được đất, chỗ thu hồi được lại chưa triển khai dự án.

Do vậy, thu hồi đất cho dự án phải bám chắc quá trình xây dựng dự án khả thi. Tuy nhiên, đại biểu Cường cũng chia sẻ, “đúng là nếu làm như vậy thì việc triển khai dự án rất chậm”.

Đại biểu góp ý, nên giải phóng mặt bằng theo quy hoạch vùng phát triển sân bay Long Thành và các công trình phụ trợ. Bởi lẽ, nếu phát triển sân bay cùng với quy hoạch các công trình phụ trợ khác kèm theo, thì ngay những công trình phụ trợ đó tạo ra nguồn thu rất lớn bù lại vào giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, ngân sách có 5.000 tỷ, dự kiến vốn giải phóng mặt bằng 23.000 tỷ, vậy tiền lấy đâu ra? “Rất khó để nói vay ODA hay chờ mấy năm tới có ngân sách nhiều hơn. Thường khi xây dựng những công trình lớn, các công trình, hoạt động kèm theo thường mang lại giá trị cao”, Đại biểu bày tỏ quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần