Xây tượng đài tiền tỷ để làm gì?

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ồn ào quanh việc huyện nghèo Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng tượng đài 14 tỷ đồng, dư luận lại “nóng” lên bởi thông tin về Vĩnh Thạnh, một trong các huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định đang khẩn trương hoàn thành tượng đài với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ và huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Công trình tượng đài 48 tỷ ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Ảnh: Trương Định
Xây dựng tượng đài vốn là một câu chuyện bình thường, hợp đạo lý, bởi đây là những công trình nghệ thuật có tính biểu tượng lịch sử, để tưởng niệm, ghi dấu, tri ân những sự kiện hoặc nhân vật lịch sử. Nhưng mỗi khi có thông tin về xây dựng tượng đài, tại sao dư luận lại ồn ào. Sự ồn ào ấy hoàn toàn không phải vô căn cứ, bởi tình trạng xây dựng tượng đài, rồi cổng chào đã và đang “nở rộ” trên nhiều địa phương. Điều đáng nói là các công trình này ngày càng có xu hướng hoành tráng, địa phương này xây được, địa phương kia cũng đề xuất phải xây, giống như “hội chứng” có tính lan truyền. Các tượng đài, phù điêu xây dựng sau ngày càng to, hoành tráng và vốn cũng nhiều hơn so với tượng đài trước.
Thậm chí có nơi, việc xây dựng tượng đài đã có biểu hiện biến tướng trở thành dự án quy hoạch kiến trúc ăn theo với số tiền đầu tư khó tưởng tượng được. Chưa kể đến việc, nhiều địa phương vẫn nằm trong danh sách xã nghèo, huyện nghèo, nhưng vẫn đề xuất và tiến hành xây dựng các tượng đài lớn, kinh phí hàng tỷ đồng và không hẳn công trình nào cũng là những tượng đài được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Cùng với đó, thực tế cũng cho thấy, không ít công trình tượng đài tốn kém rất vô ích bởi xây xong chất lượng không bảo đảm, bỏ hoang…
Khi lý giải nguồn vốn để xây tượng đài, lần nào, lãnh đạo các địa phương cũng đều nhấn mạnh, nguồn chính là từ xã hội hóa. Nhưng dù không dùng tiền ngân sách Nhà nước mà dùng nguồn lực của xã hội thì vẫn là lãng phí. Bởi đổi lại, nếu dùng số tiền huy động được ấy để dành cho dân, cho cuộc sống của người dân như làm cầu, đường nông thôn, để xây dựng trường học, bệnh viện, công viên hay giúp dân xóa đói giảm nghèo, hoặc huy động nguồn lực xã hội để ứng phó biến đổi khí hậu có lẽ sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, trước tình hình dịch bệnh khiến đời sống người dân khó khăn, kinh tế - xã hội từ TP lớn đến vùng sâu, vùng xa đều bị tác động tiêu cực, việc tập trung nguồn lực lo an sinh xã hội cần được ưu tiên.
Việc làm tượng đài hay một công trình nào đó để ghi lại dấu tích lịch sử là một cách tôn vinh lịch sử, nhưng phải làm sao cho hợp lý. Thiết nghĩ, việc xây dựng tượng đài cần được cấp quản lý xem xét kỹ lưỡng cả về kinh phí và yếu tố văn hóa. Khi dân còn nghèo thì xây tượng đài liệu có nên không là một câu hỏi rất cần người có trách nhiệm trả lời công tâm trước khi đề xuất một dự án hay ý tưởng. Dù rằng kinh phí để xây dựng là do huy động hay tiền xã hội hóa, cũng nên cân nhắc từ yêu cầu thực của địa phương, cụ thể hơn là yêu cầu từ chính người dân. Trong hoàn cảnh hầu hết các tỉnh, địa phương đang còn nhiều khó khăn, dù với cách giải thích nào đi chăng nữa, việc đầu tư lớn để xây dựng tượng đài vẫn không khỏi khiến nhiều người băn khoăn bởi câu chuyện lãng phí.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần