Xe buýt BRT “vật lộn” với phương tiện lấn làn

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Càng ngày tình trạng các phương tiện giao thông khác lấn làn, chèn ép xe buýt BRT càng trở nên phổ biến, trong khi việc tuyên truyền, xử phạt vi phạm vẫn chưa đem lại hiệu quả thực tế.

Xe buýt BRT thường xuyên bị lấn làn, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận hành. Ảnh: Ngọc Hải
Một trong những điều kiện tiên quyết để xe buýt BRT vận hành hiệu quả là làn đường dành riêng, nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian chuyến đi. Thế nhưng, làn đường dành riêng cho xe buýt BRT đang thường xuyên bị lấn chiếm, dần biến thành làn đường chung cho nhiều loại phương tiện khác, nhất là xe máy.
Không khó để nhận thấy tình cảnh khó khăn hiện nay của xe buýt tuyến BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa. Vào giờ cao điểm sáng - chiều, bất chấp hệ thống loa phát thanh tuyên truyền phát ra rả đề nghị người dân tôn trọng làn đường dành riêng, vô số xe máy, ô tô vẫn ngang nhiên chèn lên đầu xe buýt BRT.

Có thời điểm 3 - 4 chiếc xe buýt BRT phải nối đuôi nhau nằm ì trên đường do không thể nhúc nhích được giữa vòng vây ùn tắc. Không chỉ giờ cao điểm, đi vào làn xe buýt BRT đã trở thành thói quen đối với không ít người tham gia giao thông, kể cả trong khung giờ thấp điểm.
Có thể kết hợp nhiều hình thức như vừa tuyên truyền, vận động, vừa xử phạt tiền thật nặng, đồng thời thông báo đến cơ quan, nơi làm việc của người vi phạm để có biện pháp thuyết phục, răn đe hữu hiệu hơn”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
Nhìn lại 2 năm vận hành vừa qua, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã có những đóng góp rất tích cực cho giao thông Thủ đô. Xe buýt BRT đã được Nhân dân chấp nhận và đánh giá tốt về chất lượng phục vụ, sản lượng hành khách ngày càng tăng trưởng. Năm 2017 tuyến BRT 01 đạt 5 triệu lượt hành khách; năm 2018 là 5,3 triệu lượt hành khách.

Có làn đường dành riêng, xe buýt BRT đã đạt vận tốc trung bình khoảng 20km/giờ, nhanh hơn 30% so với buýt thường. Thời gian chạy xe trung bình 45 phút/lượt, giảm 20% so với xe buýt thường; đảm bảo sự ổn định, đúng giờ, tạo độ tin cậy cho hành khách với tỷ lệ xuất bến đúng giờ 97,6%.

Sản lượng hành khách vé tháng 1 tuyến cao nhất toàn mạng: bình quân đạt 2.215 nghìn hành khách (tăng 3% so với kế hoạch và chiếm gần 6,8% lượng vé tháng một tuyến của toàn mạng). Doanh thu đạt 25 tỷ đồng (đứng thứ 3 toàn mạng) và cao gấp 2,3 lần doanh thu trung bình của toàn mạng.

Tỉ lệ hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng tuyến buýt BRT đạt 58,6%. Nhóm hành khách là cán bộ, công chức, viên chức chiếm 43%; nhân viên văn phòng chiếm 36%.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Thái Hồ Phương đánh giá, bên cạnh những ưu điểm của chất lượng dịch vụ, việc thiết lập tuyến BRT và không gian dành riêng cho tuyến vận hành cũng tích cực góp phần nâng cao ý thức chung của xã hội. Đặc biệt cải thiện ý thức chấp hành giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông và nhận thức xã hội; là tiền đề cho việc tham gia giao thông có trật tự, giảm ùn tắc và TNGT.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề bị lấn làn, cản trở vận hành, xe buýt BRT sẽ dần “sa lầy”, đánh mất đi lợi thế lớn nhất của mình là rút ngắn tối đa thời gian di chuyển nhờ làn đường dành riêng.

Hiện tượng lấn làn xe buýt BRT diễn ra ngày càng nhiều cũng cho thấy công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân TP nói chung và trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Giảng Võ nói chung chưa đạt hiệu quả cao. Bởi vậy, rất cần phải thay đổi hoặc tăng cường các giải pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức để người tham gia giao thông chấp hành tốt quy định về làn đường dành riêng cho xe buýt BRT.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi về hiệu quả công tác xử phạt vi phạm của lực lượng chức năng. Hiện tượng lấn làn, dừng đỗ xe tùy tiện dọc hành lang tuyến xe buýt BRT cần phải được mạnh tay xử lý để đảm bảo đúng phương án vận hành được đề ra ban đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần