School bus và xe buýt mini: Hai mảnh ghép quan trọng của vận tải công cộng

Khánh Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt chở học sinh (School bus) và xe buýt mini là 2 mảnh ghép rất quan trọng trong bộ mặt vận tải hành khách công cộng, nhưng lại chưa phát triển tại các đô thị lớn của cả nước, đặc biệt là Hà Nội.

An toàn và thuận tiện

Hiện nay, tính riêng khu vực nội thành Hà Nội đã có hàng nghìn trường học phổ thông các cấp, trong đó có rất nhiều trường học quốc tế, chất lượng cao. Việc đưa, đón học sinh đi học của phụ huynh chiếm một quỹ thời gian khá lớn, trung bình khoảng 1 tiếng mỗi ngày (4 lượt), đó là chưa kể tắc đường. Nếu để con em mình tự đi học bằng xe máy hoặc xe đạp sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, vì giao thông Hà Nội là giao thông hỗn hợp, khá rối ren. Vậy nên phương án tốt nhất, an toàn nhất chính là phát triển dịch vụ School bus đưa đón học sinh tại nhà, trả tại trường và ngược lại, đây không phải là dịch vụ mới nhưng hiện chưa phát triển mạnh tại Hà Nội. Thực tế, việc thực hiện School bus sẽ đem lại sự an toàn, đúng giờ và đặc biệt sẽ giảm thiểu UTGT, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được khá nhiều thời gian đưa, đón con của phụ huynh. Ở các nước phát triển, giao thông đồng bộ, khu dân cư cũng được quy hoạch bài bản nên School bus có nhiều thuận lợi hơn so với Hà Nội. Nhưng điều đó không có nghĩa là Hà Nội không phát triển được hệ thống này.

 Xe buýt chờ đón học sinh trường Dân lập Lương Thế Vinh chiều 7/9. Ảnh: Công Hùng

Để triển khai, các trường học cần liên kết với các công ty vận tải và đề xuất với phụ huynh đưa dịch vụ này vào trong trường học, coi đây là một điểm thu hút phụ huynh học sinh khi gửi gắm con vào trường. Để có được lộ trình phù hợp, nhà trường cần nghiên cứu kỹ lưỡng các điểm tập kết học sinh, giờ giấc đón trả đúng giờ và đặc biệt cần có cán bộ chuyên trách của nhà trường đi quản lý học sinh trên xe.

Phù hợp với điều kiện hạ tầng

Đến nay, hệ thống xe buýt của Hà Nội đã khá tốt, trải đều tất cả đường to, nhưng lại thiếu xe buýt mini đi vào các đường ngõ nhỏ. Khá nhiều tuyến đường xe buýt mini có thể đi vào đón khách mà chưa được khai thác như đường ven hồ Tây, đường Hào Nam, đường Tô

Xe buýt mini không phải chỉ để chở khách từ đầu bến này đến cuối bến kia mà mục đích là kết nối với hệ thống giao thông công cộng hiện đại gồm xe buýt BRT và tàu cao tốc trên cao trong thời gian tới.

Vĩnh Diện, Nguyễn Ngọc Nại…

Một trong những nguyên do người dân ngại đi xe buýt do phải đi bộ quá xa, nhất là vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường khá nguy hiểm. Nếu có xe buýt nhỏ đón ngay đầu ngõ, với thời gian đợi không quá 10 phút sẽ rất hấp dẫn hành khách. Xe buýt mini cần hướng đến nhóm đối tượng chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, người khả năng đi lại hạn chế, họ rất muốn tự đi lại mà không phải trông chờ người khác đưa đón, nên việc phát triển xe buýt mini còn mang tính nhân văn sâu sắc.

Muốn xe buýt mini hoạt động tốt, các cơ quan chức năng cần phải “dọn đường” cho xe buýt, phải có biển cấm các loại phương tiện đỗ dưới lòng đường xe buýt qua, cấm họp chợ cóc tràn lan, quá lâu cũng như sắp xếp giờ chạy xe hợp lý, ghi rõ giờ cụ thể trên bảng lộ trình qua từng điểm cho người dân dễ nắm bắt và không phải chờ đợi xe quá lâu. Nếu như không làm tốt khâu này, xe buýt mini sẽ dễ từ giải pháp giảm ùn tắc sang nguyên nhân gây ùn tắc tại các con đường nhỏ, hẻm ngách.

Đi đôi với việc hoàn thiện dịch vụ xe buýt, việc quy hoạch đô thị, khu dân cư đóng vai trò rất quan trọng, các khu dân cư nhỏ, cũ, chung cư lâu năm trong nội thành cần xây dựng kế hoạch đưa ra xa trung tâm nội đô. Các khu đô thị mới xây lên cần xây dựng đường, trạm xe buýt tiện lợi kết nối dễ dàng với các trường học. Hạn chế tối đa xây khu chung cư tại các cửa ngõ, nút thắt giao thông, quy hoạch đô thị phải gắn chặt với vận hành giao thông và phát triển xanh bền vững.

Chung sức từ người dân

Bất cứ dịch vụ công nào do chính quyền cung cấp cũng khó lòng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, vì vậy ngoài việc làm tốt dịch vụ, thu thập ý kiến, phản ánh của người dân, chính quyền cần có các biện pháp tuyên truyền thiết thực, lấy các ví dụ minh họa từ các nước phát triển, triển khai các phong trào như “Toàn dân đi xe buýt”, “School bus thân thiện”… từ các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… đặc biệt từ các nhà trường, cách giáo dục và tuyên truyền đến tầng lớp học sinh, sinh viên.

Cả hai loại hình School bus và xe buýt mini đều là những mảnh ghép không thể thiếu trong giao thông hiện đại, văn minh, đó là xu thế tất yếu, cần phải làm cho người dân đô thị thấy cho dù trước mắt có một số bất cập về dịch vụ nhưng sau thời gian đó tất cả sẽ đi vào guồng quay đều đặn. Vấn đề cốt lõi vẫn là nhận thức của người dân, hạn chế nhu cầu bản năng lại để xây dựng một cộng đồng văn minh.

Nếu như người dân không ủng hộ và tự nâng cao ý thức ủng hộ hai mảnh ghép này thì rất khó để phát triển, đặc biệt với buýt mini. Mỗi người chỉ cần một hành động nhỏ như không đỗ xe ô tô trai phép dưới lòng đường, trả lại không gian công cộng xe buýt, không họp chợ tràn lan, gộp lại sẽ tạo ra sự thay đổi cực kỳ lớn. Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ cấm xe máy ở các quận nội thành, cho nên ngay bây giờ, rất cần phát triển hai hệ thống này, bởi người dân cần thời gian thích nghi cũng như nhà cung cấp dịch vụ có thời gian để điều chỉnh làm sao để cung ứng dịch vụ công tốt nhất tới người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần