Xe buýt Hà Nội: Dấu ấn văn minh, hiện đại của Thủ đô

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), Hà Nội đã thành công trong việc xóa các “vùng trắng” xe buýt trợ giá.

Bài 2: Xóa “vùng trắng” trên toàn địa bàn
Xe buýt trợ giá đến mọi ngả đường

Từ năm 2016 tới nay, mạng lưới xe buýt Hà Nội tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ với thành công lớn nhất là việc xóa “vùng trắng” xe buýt trợ giá trên toàn địa bàn. Đến thời điểm này, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của toàn TP Hà Nội là 110 tuyến; bao gồm 91 tuyến trợ giá và thí điểm; 10 tuyến không trợ giá; 9 tuyến kế cận. So với năm 2008, số lượng tuyến xe buýt đã tăng 64%. Đặc biệt, các tuyến xe buýt có trợ giá đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, tương ứng với 406/584 xã, phường đạt 68,5% độ bao phủ trên địa bàn TP. Mạng lưới xe buýt vẫn liên tục được theo dõi, rà soát, điều chỉnh để ngày càng hợp lý hơn, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đi lại của Nhân dân.
 Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Anh Dư Trung Tưởng (huyện Mỹ Đức) cho hay: Sau bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng người dân quê tôi cũng được đi xe buýt trợ giá với chất lượng dịch vụ cao. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm của Chính quyền TP đến đời sống người dân nông thôn, ngoại thành, nhất là khu vực Hà Tây (cũ).

"Dự kiến, đầu năm 2019, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, sẽ được đưa vào khai thác thương mại. Để đồng bộ kết nối, góp phần phát huy năng lực của đường sắt đô thị, mạng lưới xe buýt trong khu vực nội thành Hà Nội sẽ tiếp tục được điều chỉnh nhằm đem lại hiệu quả vận tải cao nhất." - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Thái Hồ Phương

Không chỉ chú trọng vào số lượng phương tiện, hướng tuyến mà chất lượng xe buýt của Hà Nội cũng khá đồng đều trên cả khu vực nội thành lẫn ngoại thành. Chính vì vậy, rất đông Nhân dân các huyện như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì… đã lựa chọn xe buýt thay thế xe cá nhân và các phương tiện khác trong quá trình di chuyển. Anh Nguyễn Đức Hùng (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Từ khi có xe buýt trợ giá, tôi và gia đình đã thường xuyên sử dụng để vào trung tâm TP đi khám bệnh, mua sắm, rất tiện lợi”.

Tuy nhiên, người dân một số địa bàn nông thôn cũng mong mỏi sẽ có thêm nhiều tuyến xe buýt trợ giá khác được mở mới hoặc điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Đa dạng loại hình

2017 cũng là một trong những năm đánh dấu nhiều đổi thay tích cực nhất của mạng lưới xe buýt Hà Nội. Bên cạnh việc duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng mạng lưới xe buýt hiện có, Hà Nội cũng đã đầu tư mạnh mẽ, đưa nhiều loại hình xe buýt mới vào hoạt động.

Quan trọng nhất là việc đưa vào vận hành chính thức tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa. Đây vừa là tuyến buýt hiện đại nhất, vừa là khởi đầu cho hình thức VTHKCC khối lượng lớn của TP. Với đặc thù được lưu thông trên làn đường riêng; hệ thống nhà chờ khớp nối với cửa xe bằng cảm biến điện tử, việc lên xuống xe của hành khách được tối ưu hóa; đồng thời giảm thiểu chi phí nhân công trong vận hành tuyến buýt.

Cùng với xe buýt BRT, nhiều tuyến buýt mini, buýt kết nối từ khu đô thị đến khu đô thị cũng được thử nghiệm và dần đưa vào khai thác. Ưu điểm của xe buýt mini là thuận tiện lưu thông hơn trong điều kiện hạ tầng giao thông đang phải chịu áp lực rất lớn từ sự gia tăng phương tiện cá nhân. Mặt khác, xe buýt mini cũng phù hợp với nhu cầu đi lại và kết nối các khu dân cư, khu đô thị mới với hệ thống VTHKCC nói riêng và vận tải nói chung. Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho hay, xe buýt mini hiện là lựa chọn hàng đầu, ưu việt đối với các tuyến buýt có lộ trình đi qua nhiều khu vực dân cư đông nhưng hạ tầng đường sá lại nhỏ hẹp, không đáp ứng lưu thông xe buýt lớn.

(còn nữa)