Xe buýt Hà Nội: Mảnh ghép vĩnh viễn trong hệ thống giao thông đô thị

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù các loại hình vận tải công cộng (VTCC) ngày càng đa dạng, hiện đại và phát triển, nhưng xe buýt vẫn giữ một vai trò cố định, không thể thiếu. Nếu mạng lưới xe buýt kém phát triển, sẽ khiến hệ thống VTCC nói chung gặp rất nhiều khó khăn, trì trệ và ngược lại.

Xe buýt hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Vai trò chủ lực
Các chuyên gia nhận định, xe buýt đã và sẽ luôn là một trong những “chủ công” của VTCC Hà Nội bởi nó phù hợp với năng lực tài chính, hiện trạng hạ tầng, nhu cầu sử dụng của người dân.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, Hà Nội hiện tập trung chủ yếu người dân tại khu vực trung tâm với 12 quận nội thành. Ở khu vực này đường sá phần lớn nhỏ hẹp, lượng phương tiện cá nhân quá đông, UTGT thường xuyên diễn ra. Để giải quyết vấn đề giao thông, cần phát huy tối đa năng lực của VTCC, trong đó có xe buýt. Đường sắt đô thị rất đắt đỏ, xây dựng phức tạp nên chỉ phù hợp với vai trò xương sống, tận dụng lợi thế vận tải khối lớn, tạo nên các tuyến, điểm trung chuyển quy mô lớn. Mỗi chuyến tàu đường sắt đô thị đổ về ga hàng ngàn hành khách, rất cần có xe buýt kết nối, trung chuyển, giải toả. Các tuyến xe buýt như hệ thống xương sườn, kết nối đường sắt đô thị với các khu vực dân cư.

Một loại hình VTCC khác là xe taxi hiện nay có giá cước còn quá cao nếu so với xe buýt, lại bị cấm, hoặc hạn chế hoạt động trên một số tuyến đường tại Thủ đô. Trong khi đó, xe buýt luôn là phương tiện được ưu tiên trên mọi tuyến đường, khu vực. “Có thể thấy, xe buýt là một trong những loại phương tiện VTCC tiện lợi, dễ sử dụng, được ưa chuộng nhất ở đô thị Hà Nội. Chính vì vậy nó đóng vai trò chủ lực trong hệ thống VTCC của TP” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định.

Một số chuyên gia còn cho rằng, với năng lực tài chính như hiện nay, phát triển mạng lưới xe buýt vẫn dễ dàng, nhanh chóng với Hà Nội hơn, dù trong tương lai chắc chắn TP phải có hệ thống đường sắt đô thị đầy đủ theo quy hoạch. Và ngay cả khi đó, xe buýt vẫn không thể thay thế trong cấu trúc giao thông vận tải của Hà Nội, nó sẽ là “đối tác” chính, quan trọng nhất của đường sắt đô thị trong VTCC.

Duy trì, phát huy hiệu quả

Nhận thức được vai trò quan trọng của xe buýt trong hệ thống VTCC của TP, Chính quyền TP đã và vẫn đang tiếp tục có những sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho xe buýt cả về cơ chế, chính sách; hạ tầng; kinh phí…. Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho hay, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 201/KH - UBND ngày 16/10/2020, về Phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP, giai đoạn từ 2021 - 2030. Trong đó, đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 sẽ xây dựng được 10 làn ưu tiên cho xe buýt; tiếp tục đổi mới phương tiện, mở rộng, hợp lý hoá mạng lưới tuyến… Ông Thái Hồ Phương chia sẻ: “Điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sát, thiết thực của TP đối với hệ thống VTCC nói chung và xe buýt nói riêng. Kế hoạch số 201/KH - UBND sẽ là cơ sở sở rất quan trọng, định hướng sự phát triển của xe buýt trong giai đoạn trước mắt”.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự quan tâm của TP, các DN khai thác, cung ứng dịch vụ xe buýt trên địa bàn Hà Nội cũng phải không ngừng nỗ lực, duy trì và nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ. Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan chia sẻ, bước sang giai đoạn phát triển mới với sự đổi thay từng ngày của xã hội công nghệ thông tin, xe buýt cần có những bước đi mới, phù hợp xu thế, chắc chắc chắn và hiệu quả để phát triển bền vững. Tuy là một mảnh ghép không thể thiếu của giao thông đô thị, nhưng nếu không chứng minh được gái trị của mình, xe buýt cũng có thể bị thay thế bởi một loại hình VTCC khác phù hợp hơn, chất lượng hơn.
Có thể khẳng định, nhiều năm qua xe buýt đã nhận được rất nhiều ưu tiên, ưu đãi từ chính quyền TP cũng như chính người dân Thủ đô. Việc duy trì, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ là nhiệm vụ của DN để phục vụ Nhân dân cũng như làm lợi cho chính mình.

Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần