Xe buýt Hà Nội: Phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất

Ngọc Hải thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017 đánh dấu những bước chuyển mình mạnh mẽ và được coi là cuộc "lột xác" lần thứ hai của xe buýt Hà Nội trong khoảng 15 năm qua.

 
Để làm rõ hơn vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải.
Xin ông cho biết vài nét về việc phát triển mạng lưới xe buýt tại Hà Nội trong năm vừa qua?

- Có thể nói, 2017 là một năm rất thành công của xe buýt Hà Nội. Sản lượng vận tải hành khách cả năm đạt khoảng 441 triệu lượt; đáp ứng 13,8% nhu cầu đi lại, tăng 2,2 % so với kế hoạch và tăng 2% so với 2016. Ngoài 92 tuyến đã có, năm qua Hà Nội đã mở mới được 18 tuyến buýt, bao gồm cả tuyến BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa.
Điều đặc biệt nhất là TP Hà Nội đã “xóa vùng trắng”, mở rộng mạng lưới xe buýt có trợ giá phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số tuyến buýt có ý nghĩa rất quan trọng như: 103 Mỹ Đình - Hương Sơn, BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa; 107 Kim Mã - Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam… được đưa vào vận hành trong năm nay, đã kịp thời đáp ứng sự mong mỏi lâu nay của người dân, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm UTGT, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của TP.

Đối với tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã trải qua năm đầu tiên với những thành công rất đáng khích lệ. Sản lượng cả năm của tuyến BRT 01 đạt trên 4,5 triệu lượt hành khách, bình quân 39,5 khách/lượt, 13.455 khách/ngày. Đây cũng là tuyến có sản lượng khách đi vé tháng cao nhất toàn mạng. Hơn 23% hành khách trên tuyến đã từ bỏ phương tiện cá nhân, chuyển sang sử dụng xe buýt BRT để đi lại.
 Xe buýt chất lượng cao số 86 nổi bật trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Đó là sự phát triển về lượng, còn sự biến đổi về chất thì sao thưa ông?

- Bên cạnh sự gia tăng mạnh mẽ về lượng, hệ thống xe buýt của Hà Nội cũng đã có những bước tiến ấn tượng về chất. Dấu mốc đầu tiên là Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thành ủy Hà Nội thông qua.

Có thể điểm qua một số sự thay đổi cơ bản như: Tổng số phương tiện đầu tư, thay mới trong năm 2017 là 328 xe, tăng trên 90% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó có 30 xe (tuyến 60A, 61) đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV; và 32 xe (tuyến 03A, 107) sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu, sàn thấp, được trang bị thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. Ngoài ra, hàng trăm xe buýt của Transerco đã đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại với: Hệ thống cabin độc lập cho lái xe; bảng thông tin Led hiển thị lộ trình; hệ thống âm thanh báo điểm dừng đỗ, các tuyến buýt kết nối; wifi miễn phí… dành cho hành khách. Có thể thấy, hệ thống xe buýt của Hà Nội đang tích cực chuyển mình hướng tới tiêu chí ngày càng hiện đại, văn minh, tiện lợi và thân thiện với hành khách, Nhân dân Thủ đô.

Còn chất lượng phục vụ của nhân viên xe buýt?

- Chất lượng phục vụ mà cụ thể là thái độ của lái xe, nhân viên bán vé, nhân viên phục vụ trên xe buýt lẫn tại các nhà chờ, điểm bán vé của xe buýt Hà Nội đã được nâng cao rõ rệt. Công tác đào tạo và bồi dưỡng về nghiệp vụ cũng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử của lái - phụ xe buýt đã được các đơn vị hết sức quan tâm. Nhờ đó những cụm từ như: “Hung thần xe buýt”, “Phụ xe bố đời”… đã không còn xuất hiện nữa. Xe buýt đã dần có được sự đồng cảm, yêu mến của người dân. Minh chứng rõ ràng nhất là số lượng cuộc gọi qua đường dây nóng phản ánh về lỗi hành vi của lái phụ xe buýt đã giảm mạnh đến 50% so với năm 2016.

Theo ông, năm 2018, Hà Nội cần chú trọng vào những điều kiện nào để xe buýt tiếp tục phát triển?

- Một số yếu tố được coi là điều kiện quyết định đối với sự phát triển của xe buýt, cần phải thực hiện bằng được trong thời gian tới. Trước tiên cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức, bao gồm xe buýt cùng với các loại hình khác để tạo nên một mạng lưới vận tải công cộng tiên tiến, hiệu quả. Tiếp đó, TP cần phải hành động quyết liệt để cụ thể hóa các mục tiêu: Hạn chế phương tiện cá nhân, tạo điều kiện ưu tiên tối đa cho xe buýt. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành xe buýt cũng là một biện pháp then chốt để nâng cao hiệu quả của loại hình này.

Và quan trọng hơn hết là sự đón nhận, ủng hộ của hành khách, Nhân dân Hà Nội. Đó chính là nguồn động lực mạnh mẽ nhất để xe buýt ngày càng phát triển, hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn và phục vụ đắc lực hơn cho chính Nhân dân Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!